down

3.06.2012

Người đẹp trong khoang lái máy bay

Cao hơn 1,7m, dáng người mảnh mai với mái tóc dài và nụ cười rạng rỡ, Huỳnh Lý Đông Phương thường khiến người đối diện ồ lên khi biết cô gái 25 tuổi dịu dàng này là một phi công nhiều kinh nghiệm.

Làm việc cho hãng hàng không Việt Nam Airlines một năm rưỡi, Huỳnh Lý Đông Phương không ít lần khiến hành khách bất ngờ khi thấy cô trong khoang lái. Nhiều người còn đòi chụp ảnh với cô phi công xinh đẹp để làm kỷ niệm.

Sinh ra và lớn lên tại Brussels (Bỉ), từ nhỏ, mỗi lần được theo bố mẹ về quê, cô luôn thích thú khi tới sân bay và nhìn những chiếc máy bay đậu ngoài bãi. Ngay từ đó, Phương đã ấp ủ ước mơ được lái máy bay ngắm những cánh đồng cỏ xanh.

Khi biết cô có ý định theo đuổi nghề phi công, cả bố mẹ lẫn thầy cô đều phản đối quyết liệt và khuyên cô nên theo một nghề nào đó nhẹ nhàng, ổn định hơn như làm văn phòng. Ba mất khi Phương tốt nghiệp lớp 12, để thực hiện ước nguyện của ba và không muốn mẹ buồn thêm, cô thi đậu và theo học một trường đại học về kinh doanh. Thế nhưng, cứ nghĩ tới chuyện sau này phải làm việc trong những tòa cao ốc, với công việc văn phòng, cô đã nản. Thấy con gái vẫn tha thiết với nghề phi công, người mẹ đã đồng ý để Phương theo đuổi ước mơ.
Dù đã lái máy bay nhiều lần nhưng mỗi khi bước vào khoang lái, nữ phi công Huỳnh Lý Đông Phương vẫn luôn có cảm giác háo hức. Ảnh do nhân vật cung cấp.


Háo hức lắm nhưng lúc mới bước vào khoá đào tạo phi công tại Montpellier (Pháp), Phương vẫn thấy hụt hẫng khi lần đầu phải sống tự lập, với chương trình học vô cùng vất vả.

Phương cho biết, trong khóa của cô, có 32 người thì chỉ có 4 bạn nữ, và một cô đã bỏ dở vì không chịu được các bài huấn luyện khắt nghiệt. Bản thân Phương, trong gần 2 năm rưỡi cũng có lúc muốn bỏ cuộc vì quá mệt mỏi và nản lòng khi thấy nhiều bạn nam cùng lớp tỏ ra nghi ngờ và phân biệt đối xử vì "không hiểu con gái vào đây học làm gì".

Nhưng khi ấy, cô đã gặp những người bạn và thầy tốt, luôn ủng hộ, nên quyết tâm "làm cho những cậu bạn thay đổi cái nhìn về nữ phi công, và phải công nhận rằng, phụ nữ cũng có thể lái may bay mà còn lái giỏi nữa".

Phương hào hứng kể, trong quá trình học bay, quan trọng nhất là phải biết hạ cánh rồi định hướng bay, tiếp cận đường bay... Cô nhớ nhất "mốc" được thầy “thả” cho bay một mình "như con chim lần đầu được tự do tung cánh, cảm giác bất ngờ và vui sướng không thể tả". Còn lần đầu tiên bay có khách, cô gái vừa hồi hộp vừa hạnh phúc khi quay lại từ khoang lái thấy có đến gần 180 người đồng hành cùng mình.

Hiện tại, từ Sài Gòn, Phương lái máy bay đi các chuyến trong nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh... và nước ngoài, sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia...

“Mỗi ngày bay là một ngày vui và đáng nhớ. Bầu trời mỗi ngày đều khác và không một văn phòng nào có thể đẹp bằng. Em rất hạnh phúc khi được bay qua những danh lam thắng cảnh và khám phá bao miền đất lạ”, cô gái chia sẻ. Đông Phương hồn nhiên kể, do những chuyến bay nối tiếp nên cô cũng khó gặp gỡ và quen ai nên vẫn "phòng không".

Trong suy nghĩ của nhiều người, phi công là nghề nguy hiểm, vất vả và chỉ phù hợp với nam giới. Tuy nhiên, với Ann Parr Waples, cơ trưởng trong hãng Air Mekong thì "lái máy bay là một công việc rất thú vị và an toàn".

"Nói chuyện bình thường thì chị ấy dễ thương và vui tính lắm, nhưng khi đã vào khoang lái là khác hẳn, nghiêm túc và cực kỳ tập trung", một nữ tiếp viên hàng không của Air Mekong nói về nữ cơ trưởng xinh đẹp Ann của mình.

Cơ trưởng Ann Parr Waples tự tin trong khoang lái máy bay của hãng Air Mekong. Ảnh: Minh Thùy.


29 tuổi, đến từ bang Tennessee, Mỹ, Ann trông đầy tự tin với mái tóc vàng búi gọn gàng, đôi mắt xanh thông minh chăm chú điều khiển chiếc Bombardier CRJ 900 - loại máy bay phản lực 90 chỗ. Trước khi bắt đầu cuộc hành trình trên không, Ann kiểm tra lại lịch trình bay, tuyến đường và bản đồ sẵn có trong một cuốn sổ. Mặc dù máy bay đã được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra nhưng cô cơ trưởng vẫn cẩm thận xem xét lại toàn bộ để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Bố Ann là phi công và chính ông là người dẫn dắt con gái đến với nghề này. Tuy nhiên, những bài tập ban đầu của một phi công ở trường Middle Tennessee State University (Mỹ) khiến Ann thay đổi ý nghĩ ban đầu rằng lái máy bay có vẻ dễ. Lúc đầu làm quen với máy móc, thiết bị trong buồng lái thực khó bởi xung quanh ghế ngồi của phi công, có rất nhiều nút điều khiển. Chỉ bằng cách tập trung trong những giờ thực hành, bay thử và kinh qua nhiều cuộc kiểm tra, những phi công như cô mới nhớ được hết những nút ấn đó.

"Để trở thành phi công giỏi, không cần biết là nam hay nữ, đều cần phải rèn luyện óc phán đoán và xử lý tình huống khẩn cấp", Ann chia sẻ.

Cô cho biết, trong suốt thời gian cầm lái ở Việt Nam, Ann từng gặp các tình huống bất ngờ và phải quyết đoán thật nhanh, xem cần đưa máy bay ra khỏi khu vực thời tiết xấu (mưa to, sương mù dày đặc...) hay bay vòng quanh để quanh sát trước khi hạ cánh.

4 tháng trước, trên chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn có 6 hành khách gặp trục trặc về sức khỏe và cô phải hạ cánh khẩn cấp để đưa họ vào bệnh viện gần nhất. "Rất may là mọi việc đều ổn và tôi chưa gặp phải sự cố nào không thể xử lý", Ann bày tỏ.

Ann và chồng cùng là phi công sang Việt Nam làm việc từ tháng 10/2010. Trước đó, cô từng làm cho một số hãng ở Mỹ như Atlantic Southeast Airlines. Vợ chồng cô được xếp ngày làm và ngày nghỉ giống nhau nên hai người có cơ hội dành thời gian rảnh rỗi cho nhau.

"Những lúc không bay, vợ chồng tôi cùng đi tham quan những địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam như đảo Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Côn Đảo... Tôi yêu công việc này và luôn tự hào về nó", Ann chia sẻ.

Hai phi công Ann và Lauren bên các tiếp viên hàng không trước chuyến bay Hà Nội - Buôn Mê Thuột. Ảnh: Minh Thùy.


Cùng đoàn bay với Ann, Laurel Cook, 26 tuổi đến từ bang California (Mỹ) lại yêu thích và muốn trở thành phi công sau một chuyến du lịch bằng máy bay từ thời thơ ấu.

Lúc quyết định học phi công, bạn bè Laurel khuyên cô nên suy nghĩ kỹ vì cô có nhiều lựa chọn khác, trong khi nghề này rất vất vả. Tuy nhiên được gia đình ủng hộ, cô đã toàn tâm theo đuổi ước mơ của mình.

Sau khi tốt nghiệp trung học, cô nộp đơn vào trường đào tạo phi công Embry – Riddle Aeronautical University, một trong những trường đào tạo hàng không hàng đầu ở Mỹ. Những ngày đầu được phi công nữ hướng dẫn bay, Laurel càng thêm khâm phục và tự nhủ mình cũng làm được như cô ấy.

Xa gia đình, triền miên trong những chuyến bay, cô gái trẻ thường nhắn tin, gửi mail cho bố hay chat với mọi người trong gia đình vào thời gian rảnh.

Với những bạn trẻ muốn theo đuổi ước mơ làm chủ "con chim sắt", các nữ phi công cho rằng, dù nhiều thử thách, nhưng bạn cứ tự tin theo đuổi giấc mơ của mình. Hãy chăm chỉ và học tốt ở trường, nếu có thể, nhờ ai đó tư vấn, định hướng cho bạn. Sức khỏe luôn là yêu cầu quan trọng đối với các phi công, nên bạn cũng đừng quên rèn luyện thể lực nghiêm túc.
Vương Linh

0 comments

Post a Comment