down

3.03.2012

10 điều thế giới chưa biết về kinh tế Việt Nam

3/3/2012

Không phải là "Trung Quốc + 1", có cơ sở hạ tầng tiên tiến hơn Philippines và Thái Lan, tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc... là 3 trong số 10 điều thế giới chưa biết về Việt Nam.
> 5 nền kinh tế sẽ thay đổi thế giới
> 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2011 - 2015


Trong một báo cáo mới đây, viện nghiên cứu McKinsey Global cho biết, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam là trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam chuyển dịch từ một nền kinh tế nông nghiệp sang chú trọng sản xuất và dịch vụ và đang là điểm hấp dẫn đầu tư nóng nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng nếu Việt Nam muốn duy trì mức tăng trưởng ngoạn mục đó thì trong thời gian tới cần phải cải thiện năng suất lao động trong khu vực kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

1. Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc


Từng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, chỉ sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam đã viết nên một trong những câu chuyện kinh tế thành công nhất tại châu Á. Kể từ khi chính sách đổi mới được đưa vào thực hiện năm 1986, Việt Nam đã phá bỏ nhiều rào cản thương mại và dòng vốn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trong suốt 25 năm đổi mới, với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người hàng năm là 5,3%, Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc. Bất chấp khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990 và suy thoái kinh tế hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hết sức đều đặn. Trong giai đoạn 2005 -2010, Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm.

2. Việt Nam đang dần thoát khỏi nền kinh tế nông nghiệp


Kinh tế Việt Nam giờ đây không chỉ xoay quanh khu vực nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Việt Nam đã giảm từ 40% xuống còn 20% chỉ trong 15 năm. So với khoảng thời gian 29 năm của Trung Quốc và 41 năm của Ấn Độ, đây được coi là bước chuyển dịch hết sức ngoạn mục.
Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp của Việt Nam đã giảm 13%, trong công nghiệp và dịch vụ tăng lần lượt là 9,6% và 3,4%. Nhờ vậy, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm 6,7%, còn tỷ trọng công nghiệp tăng 7,2%.

3. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản (hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê)hàng đầu trên thế giới


Với kim ngạch 116.000 tấn trong năm 2010, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới và chiếm vị trí quán quân xuất khẩu hạt điều trong 4 năm liền. Riêng ngành xuất khẩu gạo, cà phê xếp số 2, chỉ sau Thái Lan và Brazil. Việt Nam có kim ngạch chè xuất khẩu đứng thứ 5, còn hải sản như cá da trơn, tôm và cá ngừ xếp thứ 6 thế giới.

4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc + 1”


Chi phí lao động gia tăng tại Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang hoạt động tại Việt Nam, nơi có lực lượng lao động giá rẻ đông đảo. Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang trở thành thị trường sản xuất hàng xuất khẩu lớn tiếp theo tại châu Á, một phiên bản thu nhỏ của Trung Quốc, hay còn gọi là Trung Quốc +1.
Tuy nhiên, Việt Nam khác xa Trung Quốc ở hai điểm. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tiêu dùng cá nhân nhiều hơn so với Trung Quốc. Tiêu dùng của hộ gia đình chiếm tới 65% GDP, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ là 36%. Thứ hai, khác với kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhờ xuất khẩu và vốn đầu tư, kinh tế Việt Nam được thúc đẩy cân bằng giữa sản xuất và dịch vụ, hai khu vực chiếm lần lượt xấp xỉ 40% GDP. Tăng trưởng của Việt Nam dựa trên nhiều ngành nghề đa dạng, với các phân khúc thị trường cạnh tranh trong khắp nền kinh tế. Trong 5 năm qua, sản lượng khu vực công nghiệp (gồm xây dựng, sản xuất, khai khoáng, điện…) và khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% mỗi năm.

5. Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thế giới


Việt Nam xuất hiện trong hầu hết danh sách các thị trường mới nổi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nghiên cứu của Bộ Thương mại và Đầu tư Anh, trung tâm nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit đều xếp Việt Nam là thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau các nước thuộc nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng từ 3,2 tỷ USD năm 2003 lên 71,7 tỷ USD năm 2008. Bất chấp khủng hoảng kinh tế, con số này vẫn đạt 21,5 tỷ USD năm 2009.
Một điểm khác nhau nữa giữa kinh tế Việt Nam và Trung Quốc là trong khi 60% vốn FDI ở Trung Quốc đều rót vào các ngành công nghiệp nặng cần nhiều nhân công thì ở Việt Nam, con số này chỉ là 20%. Số FDI còn lại của Việt Nam đổ vào các ngành khai mỏ và dầu khí (40%), bất động sản (15-20%) và du lịch. Kể từ năm 2005, lượng khách du lịch tới Việt năm đã tăng hơn 30%.

6. Cơ sở hạ tầng đường giao thông của Việt Nam tiên tiến hơn so với Philippines và Thái Lan


Việt Nam đã và đang mạnh tay đầu tư vào xây dựng đường sá, và cũng đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Vào năm 2009, mật độ đường giao thông của Việt Nam đã đạt mức 0,78 km đường/km2, cao hơn so với Philippines và Thái Lan. Cũng trong năm này, mạng lưới điện quốc gia của Việt Nam đã bao phủ trên 96% đất nước. Việt Nam cũng đầu tư xây dựng nhiều khu kinh tế cảng như cảng Dung Quất, Cái Mép và xây dựng sân bay quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ.

7. Internet ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam


Việt Nam là nước có dân số trẻ, được giáo dục tốt và phổ cập internet rộng rãi. Từ năm 2000 đến 2010, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam tăng gần 70%, trong khi con số này tại Mỹ chỉ là 10%. Tính đến cuối năm 2010, Việt Nam có 170 triệu thuê bao điện thoại, trong đó 154 triệu là thuê bao di động.
Với 31%, tỷ lệ sử dụng internet của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước châu Á khác như Malaysia (55%) và Đài Loan (72%). Tuy nhiên, con số này đang ngày càng gia tăng. Số thuê bao băng thông rộng ở Việt Nam đã tăng lên từ 0,5 triệu thuê bao năm 2006 lên 3,8 triệu thuê bao vào năm 2010. Cũng trong năm 2010, số thuê bao sử dụng mạng 3G của Việt Nam đạt 7,7 triệu. Một khi cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển thì số lượng sử dụng mạng di động và internet tại Việt Nam sẽ tăng vọt. Hiện nay, có tới 94% người Việt cập nhật tin tức qua mạng Internet và có tới 40% người truy cập mỗi ngày.

8. Việt Nam đang trở thành địa chỉ hàng đầu thế giới cho các dịch vụ thuê ngoài


Khu vực dịch vụ thuê ngoài của Việt Nam hiện đang có 100.000 lao động, với mức doanh thu tạo ra hàng năm đạt trên 1,5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Hewlett-Packard, IBM, và Panasonic đã đặt cơ sở tại Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành 10 địa chỉ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này nhờ lực lượng lao động trẻ tốt nghiệp đại học hùng hậu và giá rẻ (mỗi năm có khoảng 257.000 sinh viên tốt nghiệp đại học). Chi phí thuê một lập trình viên máy tính ít hơn 60% so với tại Trung Quốc.
Tương tự, chi phí thuê một nhân viên xử lý dữ liệu cũng chỉ bằng 50% so với tại Trung Quốc. Miễn là thế giới có nhu cầu và Việt Nam đảm bảo đáp ứng đủ thì khu vực dịch vụ thuê ngoài tại đây có thể tạo ra khoảng 6-8 tỷ USD mỗi năm. Đây có thể trở thành cỗ máy tạo việc làm tại khu vực thành thị, thêm khoảng 600.000 tới 700.000 việc làm vào năm 2010, đóng góp 3-5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

9. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam cao hơn so Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong ASEAN


Trong 10 năm vừa qua, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam đã tăng 33% mỗi năm, cao hơn nhiều so với của Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia thuộc ASEAN.
Tính đến cuối năm 2010, dư nợ tín dụng của Việt Nam xấp xỉ 120% GDP, trong khi còn số này của năm 2000 chỉ là 22%. Đây có thể là bằng chứng cho sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế nhờ hệ thống ngân hàng đang ngày càng phát triể. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, sự gia tăng của các khoản nợ xấu có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực và buộc chính phủ phải can thiệp vào khu vực tài chính.

10. Lợi tức dân số của Việt Nam đang giảm


Lợi tức dân số hay còn gọi là lợi tức nhân khẩu học là những ích lợi kinh tế có được nhờ biến đổi dân số. Từ năm 2005 đến 2010, lực lượng lao động trẻ gia tăng cùng với sự chuyển dịch nhanh chóng khỏi nông nghiệp đã đóng góp gần 70% tăng trưởng của Việt Nam. Khoảng 30% còn lại có được là nhờ năng suất lao động được cải thiện.
Tuy nhiên, thống kê chính thức dự báo tăng trưởng lực lượng lao động sẽ giảm khoảng 0,6% mỗi năm trong 10 năm tới, so với mức tăng trưởng 2,8% hàng năm trong giai đoạn 2000-2010. Bên cạnh đó, trong thập kỷ tới, việc chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ của Việt Nam cũng sẽ không thể đạt tốc độ như trước.
Do đó, nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động sẽ cần phải tăng từ 4,1% lên 6,4% nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8% hàng năm vào năm 2020. Nếu không, tăng trưởng hàng năm của kinh tế Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 4,5-5%, đồng thời GDP sẽ giảm 30%.

Tuyến Nguyễn (Theo Foreign Policy)

0 comments

Post a Comment