down

2.09.2012

Tượng giải Oscar vẫn được sản xuất thủ công ở Chicago, Hoa Kỳ

 03 Tháng Hai 2012       
Tượng giải thưởng Oscar.
Tượng giải thưởng Oscar.
Reuters

Đức Tâm
Oscar là giải thưởng điện ảnh cao quý nhất và cho đến nay, bức tượng giải thưởng Oscar vẫn được sản xuất một cách thủ công tại một nhà máy ở Chicago, Hoa Kỳ.

Tượng giải thưởng Oscar cao khoảng 34 cm, nặng 3kg, được vẽ bởi nghệ sĩ Cedric Gibbons, phụ trách nghệ thuật của xưởng phim MGM từ năm 1924 đến 1956. Mẫu gốc do nghệ sĩ George Stanley điêu khắc, có hình một kỵ sĩ, cằm vuông, ngực nở, vai rộng, hai tay chống lên một thanh kiếm dài ở phía trước,
Quy trình đúc tượng rất công phu và đòi hỏi nhiều thời gian. Vật liệu chính là Britannia, một hợp kim có mầu trắng bóng giống hệt thiếc, được đun nón chẩy đổ vào khuôn. Sau khi bức tượng nhỏ được dỡ từ khuôn ra, phải cần đến khoảng 40 giờ làm việc nữa thì mới hoàn tất được tác phẩm này.
Công việc trước tiên là gọt dũa, chỉnh sửa phôi đúc. Tiếp đến, bức tượng được nhúng vào một dung dịch nóng chảy bao gồm đồng, nickel, (kền), bạc và vàng 24 carat. Sau đó, bức tượng được mài nhẵn, trước khi được đánh bóng. Công đoạn cuối cùng là các thợ, tay đeo găng mềm, nhẹ nhàng và khéo léo gắn bức tượng lên trên chiếc bệ nhỏ.
Để bảo đảm uy tín cũng như chất lượng, Viện Giải thưởng Oscar đã kiên quyết duy trì quy trình sản xuất thủ công bức tượng này.
Một trong những rủi ro của việc sản xuất theo quy trình giá rẻ là tình trạng tượng không hoàn hảo, thậm chí bị gẫy, giống như trường hợp giải Quả Cầu Vàng 2011. Tài tử điện ảnh Mỹ Robert De Niro đến cuộc họp báo nhưng không mang theo bức tượng của giải thưởng. Ông cho biết : « Phần trên của bức tượng bị gẫy và người ta đang hàn gắn lại ».
Nhà máy R.S Owens, được thành lập từ năm 1938, tại Chicago, là cơ sở duy nhất ở Mỹ chuyên sản xuất tượng Oscar từ năm 1982. Hầu như tất cả các bức tượng, giải thưởng khác được làm tại Trung Quốc vì chi phí sản xuất rẻ. Bất chấp xu hướng này, nhà máy Owens vẫn tập trung vào việc chế tạo những giải thưởng « cấp cao » như Oscar, MTV Music Awards hoặc Emmys.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhà máy đã phải sa thải một phần ba số nhân công. Ông Scott Siegel, con trai của người thành lập ra cơ sở Owens, cho biết là phần lớn số khách hàng mà nhà máy bị mất là vì họ không hề quan tâm đến việc các giải thưởng được sản xuất tại Trung Quốc. Họ chỉ chú ý đến chi phí sản xuất và xu hướng này ngày càng gia tăng nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Tuy vậy, lãnh đạo của nhà máy vẫn có phần lạc quan, cho biết là có những dấu hiệu về sự thay đổi, tại Mỹ, mọi người để ý bảo vệ công ăn việc làm hơn. Mặt khác, một số khách hàng cũng quay lại nhà máy vì lý do sản phẩm có chất lượng cao, dịch vụ tốt, thời gian sản xuất ngắn.
Ông Scott Siegel tự hào kể lại chuyện nhà máy đã có phản ứng cực kỳ nhanh khi xẩy ra sự cố 55 bức tượng Oscar bị mất cắp chỉ vài tuần trước lễ trao giải thưởng. Các nhân viên của nhà máy đã làm việc liên tục ngày đêm trong vòng 10 ngày để sản xuất đủ số tượng nói trên, mà thông thường thì phải mất đến 6 tuần lễ.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120203-tuong-giai-oscar-van-duoc-san-xuat-thu-cong-o-chicago-hoa-ky

0 comments

Post a Comment