down

2.15.2012

Lợi dụng khủng hoảng, Trung Quốc tăng tốc mua lại các công ty châu Âu

 14 Tháng Hai 2012     
Thủ tướng Ôn Gia Bảo hội đàm với Chủ tich châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso ngày 14/02/2012.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo hội đàm với Chủ tich châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso ngày 14/02/2012.
REUTERS/Pool/How Hwee Young

Mai Vân
Ngoại trừ Libération dành tựa trang nhất của mình cho chính trường Pháp, phần lớn các báo hôm nay đã chú trọng đến thời sự quốc tế, từ các cuộc biểu tình sôi sục ở Hy Lạp, căng thẳng Israel-Iran, cho đến chuyến công du nước Mỹ của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu – Trung Quốc. Trên hồ sơ này, Les Echos chạy tựa « Trung Quốc chú ý đến châu Âu để mua lại các công ty ».

Theo Les Echos, trong cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc mở ra từ hôm nay (14/02/2012) tại Bắc Kinh, nợ công các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu và đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp là những hồ sơ chính.
Nhật báo Pháp ghi nhận trước tiên là đầu tư Trung Quốc vào châu Âu đã tăng tốc thấy rõ, nào là vào ngành sản xuất điện ở Bồ Đào Nha, vào lĩnh vực hoá học ở Na Uy, nào là vào công nghiệp sản xuất máy công cụ ở Đức hay vào lãnh vực du thuyền hạng sang ở Ý.
Trong năm 2011, châu Âu thu hút được 10 tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc. Trên tổng số các vụ đầu tư để mua lại hay sát nhập công ty, 34% là của Trung Quốc, trong khi châu Á chỉ chiếm 27% và Bắc Mỹ 21%.
Trung Quốc ngày càng tăng cường đầu tư vào nước ngoài. Nếu vào đầu năm 2000, trị giá đầu tư hải ngoại chỉ chiếm có 2,6% GDP của Trung Quốc, thì hiện nay, tỷ lệ này đã lên đến 5,3% GDP.
Lãnh vực được ưa chuộng : công nghệ cao cấp
Les Echos còn ghi nhận một thay đổi trong cơ cấu đầu tư của Trung Quốc. Nếu cách đây một năm, 3/4 đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài nhắm vào tài nguyên thiên nhiên, thì bây giờ, lãnh vực này chỉ còn chiếm một nửa mà thôi. Các tập đoàn Trung Quốc hiện nhìn sang lãnh vực công nghệ hay nhãn hiệu, và đặc biệt chú ý đến ngành hoá học và công nghiệp của châu Âu.
Theo tờ báo, kế hoạch 5 năm hiện nay của Trung Quốc nhằm vào xe hơi sạch, máy công cụ, năng lượng tái tạo, phù hợp với sản xuất công nghệ châu Âu.
Trong khối đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài trong năm 2011, 51% nhắm vào tài nguyên, 22% vào hoá học, 14% vào dịch vụ. Tính theo từng khu vực địa dư, tại châu Á, Bắc Kinh chú ý đến dịch vụ và xe hơi, còn tại Bắc Mỹ là xe hơi và tài nguyên. Riêng châu Âu nổi trội với phần công nghiệp, quan trọng hơn nhiều so với hai vùng kia.
Les Echos còn chú ý một yếu tố khác trong đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc, đó là hiện nay, phần đầu tư các công ty tư đang tăng lên, từ 17% tổng khối lượng đầu tư năm 2010, đã tăng lên 28% năm 2011.
Theo giải thích của chuyên gia André Loesekrug- Pietri của A Capital, các công ty tư nhân của Trung Quốc dễ được chấp nhận hơn vì họ không gây lo ngại như các tập đoàn nhà nước.
Tuy nhiên, Les Echos cũng nêu thành công của quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc CIC, đã mua được 30% phần hùn trong chi nhánh sản xuất của tập đoàn khí đốt Pháp GDF Suez. Sự kiện này được thông báo vào tháng 8 vừa qua, nhưng không hề gây ra tranh cãi, phản đối, mà còn được xem là chiến lược có lợi cho hai bên.
Trong bài xã luận, Les Echos nêu bật hai quan điểm về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư ở nước ngoài.
Trước hết là nỗi lo ngại khi thấy Trung Quốc không những đầu tư để gom góp tài nguyên ở châu Phi, Nam Mỹ, mà lại còn đi mua lại công ty vừa và nhỏ bị phá sản hay những chàng khổng lồ đang hụt vốn. Nhiều người xem đây là một mối đe dọa.
Tuy nhiên Les Echos cho là không nên chỉ thấy khía cạnh đen tối. Dĩ nhiên các nước châu Âu phải thận trọng, phải bảo vệ những lãnh vực chiến lược, không để cho đầu tư đơn thuần trở thành một sự cướp công nghệ, không để cho các tập đoàn được che chở trên thị trường Trung Quốc tự do đầu tư vào châu Âu hay Hoa Kỳ...
Thế nhưng, theo tờ báo, cũng cần phải thấy việc Trung Quốc đầu tư vào châu Âu đang thiếu hụt vốn là một điểm tích cực. Đồng yuan chuyển đổi sang euro hay đô la sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và tạo thêm công việc làm. Đối với Les Echos, Trung Quốc đang bình thường hóa hoạt động của mình, bước vào con đường toàn cầu hóa.
Hoa Kỳ ‘đầu tư’ vào Tập Cận Bình
Chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình được hai tờ Le Monde và Libération theo dõi. Le Monde đánh giá trong hàng tựa : « Hoa Kỳ, chặng đường không thể bỏ qua đối với nhân vật số 1 tương lai tại Trung Quốc Tập Cận Bình ».
Theo Le Monde, Hoa Kỳ là một trong những thử thách cuối cùng trên đường đi của tất cà những ‘nhân vật số 1’ tương lai Trung Quốc, một thử thách không phải nhỏ. Riêng về phía Mỹ, Le Monde nhìn thấy Washington đang đặt cược trên phó chủ tịch Trung Quốc để củng cố quan hệ với Bắc Kinh.
Tờ báo nhắc lại đánh giá của Nhà Trắng đã nói thẳng thừng về chuyến công du này là "một sự đầu tư". Washington xem đấy là một hứa hẹn trong việc tăng cường hiểu biết và đối thoại giữa hai bên. Le Monde trích lời ông Daniel Russel, phụ trách châu Á ở Hội đồng An ninh Quốc gia, phát biểu trước báo chí là « chuyến thăm này rất quan trọng, đây là dịp để hiểu thêm về ông Tập Cận Bình và là dịp để ông hiểu thêm về nước Mỹ ».
Theo Le Monde, trong 3 năm, đã gặp ông Hồ Cẩm Đào cả chục lần, nhưng phía Mỹ vẫn "không chọc thủng được chiếc áo giáp của ông", và các viên chức Mỹ hy vọng là ông Tập Cận Bình sẽ "dễ hiểu hơn" vì ít ra ông đã từng đến Mỹ, ghé Iowa vào năm 1985. và cha của ông cũng đã đến tiểu bang này 5 năm trước đó. Le Monde còn nhắc lại ông Tập Cận Bình được tổng thống đón tiếp hôm nay và sau đó ông đến Lầu Năm Góc. Việc này, theo tờ báo, được cho là "rất có ý nghiã".
Báo Libération chơi chữ nói đến sự kiện Bắc Kinh qua làm "công tác hoà bình" ở Washington. Theo tờ báo, cuộc tiếp xúc giữa hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Obama sẽ rất êm xuôi, vì những bất đồng về kinh tế, thương mại, ngoại giao, quân sự sẽ được đề cập với sự sáng suốt rất ngoại giao, đặc trưng của hai người. Vả lại, cả hai bên đều rất thực tiễn.
Triển lãm hàng không Singapore : Âu Mỹ ve vuốt châu Á
Cũng về châu Á, Le Monde cũng như Les Echos còn chú ý đến triển lãm hàng không tổ chức tại Singapore khai mạc hôm nay. Các tập đoàn Âu Mỹ sẽ ra sức phô trương, vì như theo giải thích của tờ Les Echos, họ đang trông chờ vào thị trường châu Á để quên đi khủng hoảng. Le Monde cũng cùng nhận xét với dòng tựa : « Đông Nam Á, vùng đất hứa mới của các nhà chế tạo máy bay ».
Cả hai tờ báo đều cho là triễn lãm ở Singapore diễn ra rất đúng lúc, vào lúc mà Đông Nam Á, như phân tích của Le Monde, đang trở thành vùng săn mồi mới của giới chế tạo máy bay. Tờ báo nhắc lại trong năm qua, 2011, các hãng hàng không châu Á đã đặt mua hàng trăm máy bay, như Air Asia của Malaysia đã ký mua 200 chiếc Airbus A320 Neo, và hãng này sẽ có một đội 375 máy bay do châu Âu sản xuất. Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua hơn 200 máy bay của Boeing.
Về máy bay trực thăng, Eurocopter và ATR, hai chi nhánh của tập đoàn châu Âu EADS thông báo doanh số hàng tỷ euro trong năm 2011 ở châu Á. Trong tình hình khủng hoảng hiện nay, các quốc gia châu Á vẫn còn giữ tỷ lệ tăng trưởng khả quan, chuyên chở trong vùng không ngừng gia tăng. Một số nhà chế tạo máy bay còn đánh giá là những kiểu máy bay mới có thể xuất phát từ nhu cầu của châu Á.
Nhật Bản phải trả giá rất đắt cho Fukushima
Cũng trên bình diện kinh tế, Le Fiagro hôm nay chú ý đến Nhật Bản đang phải trả một cái giá rất đắt cho Fukushima, tựa trang kinh tế của báo này. Theo Le Figaro, vì phải nhập nhiên liệu và trả một hoá đơn cao chưa từng thấy, kinh tế Nhật đã rơi lại vào suy thoái.
Hậu quả tình hình trước mắt, cộng thêm với việc thị trường khách hàng châu Âu và Mỹ giảm sụt, là ngày càng nhiều công ty Nhật nghĩ đến việc dời cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng châu Á, tìm điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Theo Le Figaro, trong những quốc gia mà các công ty Nhật nhòm ngó, nổi trội là Việt Nam.
Trước đây nhiều công ty Nhật đã chọn Thái Lan, nhưng với cơn lụt lội vừa qua, Thái Lan đã gây cho họ nhiều khó khăn, cho nên giờ đây họ quay sang Việt Nam. Theo Le Figaro, trong năm qua đã có hơn 200 công ty Nhật đến đặt cơ sở và đầu tư 1,4 tỷ euro tại Việt Nam.
Le Figaro nêu bật những điểm khiến Nhật phải nhìn sang các láng giềng như Việt Nam. Đó một phần là do tình hình tại Nhật - kinh tế suy thoái, đồng yen đắt đỏ, dân chúng già đi, người trong tuổi lao động ngày càng giảm –, một phần là do chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ hơn.
Trang nhất các báo
Libération là tờ duy nhất dành tít trang nhất của mình cho chính trường Pháp. Đương kim tổng thống Sarkozy đến giờ vẫn chưa thông báo tái tranh cử, vì theo tờ báo, ông do dự trên phương thức tuyên bố, cho nên Libération một cách hóm hỉnh chạy tựa : « Thông báo như thế nào ? Libé cố vấn cho tổng thống » và gợi lên 10 phương thức ở trang trong.
Phần lớn các báo hôm nay chú trọng đến biểu tình sôi sục ở Hy Lạp. Tờ La Croix ghi nhận : « Dân Hy Lạp hoài nghi và mòn mỏi », dòng tựa trang đầu bên trên bức ảnh một người biểu tình quấn cờ Hy Lạp ngồi dưới đất, trước hàng cảnh sát, và nhìn thẳng phiá trước, vẻ suy tư, mệt mỏi. L’Humanité nói đến Hy Lạp nổi dậy, bên trên bức ảnh biểu tình tối qua, và giải thích : Người dân Hy Lạp chống kế hoạch khắc khổ mới do Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp đặt. Tờ báo còn kêu gọi ký tên vào kiến nghị mà tờ báo đưa ra để bày tỏ sự đoàn kết với người dân Hy Lạp.
Những động thái của Israel nhắm vào Iran chiếm tựa trang nhất của Le Figaro. Tờ báo nhìn thấy trong hàng tít : « Israel : Khả năng tấn công vào Iran gia tăng ». Tờ báo còn ghi nhận là quốc gia Do Thái đang tự hỏi là có cần báo cho đồng minh Hoa Kỳ hay không trước khi tấn công vào cơ sở hạt nhân Iran.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120214-loi-dung-thoi-co-khung-hoang-trung-quoc-tang-toc-mua-lai-cac-cong-ty-chau-au

0 comments

Post a Comment