Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Từ nhiều năm qua, hình ảnh và danh tánh của cố Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam sống trong nước cũng như ở hải ngoại.
Chân dung Cha Trương Bửu Diệp, một hình ảnh quen thuộc trên báo chí và tại các cửa tiệm của người Công Giáo Việt Nam.
Trên các tờ báo Việt ngữ tại đây, người đọc cũng không còn ngạc nhiên khi thấy những lời “Tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp” được đăng một cách trang trọng, từ những người thấy rằng mình đã nhận được “ơn lạ” hay “phép lạ” của Chúa qua bàn tay của Cha Trương Bửu Diệp.
“Dư luận thuận lợi, kéo dài, công khai và mạnh mẽ về đời sống thánh thiện hay gương anh hùng tử vì đạo” của cha Trương Bửu Diệp chính là một trong những yếu tố căn bản cần thiết đối với một ứng viên tuyên thánh.
“Cha Phanxico Trương Bửu Diệp đã yêu thương như Thầy yêu thương và vẫn tiếp tục yêu thương qua nhiều chuyện lạ xảy ra đó đây. Cha đã yêu thương cả người lương người giáo. Cha tiếp tục xin lộc Trời cho bất cứ ai đến với Cha.”
Ðó là điều Linh Mục Phê-rô Trần Thế Tuyên, hiện sống tại Canada, viết trong lời mời “Hãy đồng hành! Hãy tham tham gia tiến trình tuyên phong chân phước Cha Phanxico Trương Bửu Diệp” được bắt đầu từ ngày 25 tháng 8, 2011 ở Giáo Xứ Cần Thơ.
Tiếp xúc với phóng viên Người Việt, Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng, cho biết: “Tiến trình phong thánh không phải một sớm một chiều mà xong, mà có khi mất cả chục năm không chừng, theo kinh nghiệm những người đi trước.”
Chịu chết thay giáo dân
Từng là cha xứ của họ đạo Công Giáo Tắc Sậy, Cà Mau, Cha Trương Bửu Diệp đã đứng ra chịu chết thay cho giáo dân khi họ bị lực lượng Việt Minh bắt, năm 1946.
Theo lời Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng, “Người chịu trách nhiệm loan báo, đứng tên thực hiện công việc này là Giám Mục Stephano Tri Bửu Thiên, giáo phận Cần Thơ. Ðức Cha Tri Bửu Thiên lập ra một tiểu ban để xin tuyên thánh Cha Trương Bửu Diệp, gồm có Cha Phero Trần Thế Tuyên ở Canada làm Cáo Thỉnh Viên và Cha Nguyễn Thanh Bình là cha sở của nhà thờ Tắc Sậy, nơi chôn cất Cha Diệp, làm chủ tịch ban này. Ngoài ra còn có rất nhiều thành viên khác.”
Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng là người “giúp Cha Phero Trần Thế Tuyên phổ biến công việc này đến với mọi người tại Hoa Kỳ.”
“Bắt đầu xin mọi người biết để cầu nguyện cho công việc này. Kế nữa, những người đang ở Hoa Kỳ được ơn lạ, muốn chứng thực cho ghi vào 'record' thì thông qua Cha Hoàng để liên lạc với Cha Tuyên, kể cho Cha Tuyên nghe.” Linh Mục Hoàng cho biết.
Sau khi nghe hết những chuyện kể đó, Linh Mục Trần Thế Tuyên sẽ lựa chọn ra một số nhân chứng được ơn lạ về Cần Thơ để thực hiện “thể thức sát hạch nhân chứng.” Tức là “tất cả đều phải thề nói sự thật và chỉ sự thật, chỉ có chánh án, công tố viên, lục sự và nhân chứng hiện diện.”
Ơn phước phải được chứng thực
“Ở hải ngoại này cũng có rất nhiều người được ơn phước qua bàn tay cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp, những người ngoại đạo cũng được rất nhiều. Mỗi năm cứ đến ngày giỗ ngài là nhiều người lên xin làm chứng về những ơn đã nhận được, nhiều lắm, khắp nơi, ngay cả điện thoại Cha Hoàng cũng nhiều người gọi đến để làm chứng.” Linh Mục Hoàng nói thêm.
Tuy nhiên, theo lời Cha Hoàng, “những chuyện đó trước giờ người này người kia kể là chỉ kể để biết với nhau thôi. Nhưng bây giờ một cái ơn mà muốn chứng thực là đúng thì phải được xét duyệt lại, phải được đưa về Tòa Giám Mục ở Cần Thơ để tuyên thệ, để Giáo Hội Vatican tin thì phải có chứng rõ ràng.”
Tiến trình tuyên thánh gồm có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thiết lập án tuyên thánh cấp địa phận. Giai đoạn 2 là danh hiệu “Ðầy Tớ Chúa” và tiến hành giám sát về nhân đức hay việc tử đạo. Giai đoạn 3 là tiến trình án tuyên thánh ở Roma. Giai đoạn 4 là phép lạ và tuyên phong chân phước.
Cố linh mục Trương Bửu Diệp nổi tiếng với câu nói: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên.”
Sơ lược tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp
Linh Mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1, 1897, tại làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thời đó, các họ đạo trong khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo Phận Phnom Penh; thầy Phanxicô Diệp từ tiểu chung viện Cù Lao Giêng lên học Ðại chủng viện ở Phnom Penh và thụ phong linh mục năm 1924.Năm 1939, Cha Diệp về họ đạo Tắc Sậy.
Những năm 1945-1946, hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, cha bề trên kêu ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo nhưng vị linh mục đã trả lời, “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”
Ngày 12 tháng 3, 1946, Linh Mục Trương Bửu Diệp bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổ đạo tại lẫm lúa của ông giáo sự ở Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn.
Theo lời báo mộng của ngài, giáo dân đã vớt được ngài từ một cái ao với vết chém sau ót và thân thể trần trụi.
Thi hài Linh Mục Trương Bửu Diệp được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Trúc Khéo. Ðến năm 1969, hài cốt Cha Diệp được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài khi thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Linh Mục Trương Bửu Diệp cũng là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.
Những ai muốn kể về ơn lạ mà mình có được qua bàn tay cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp, xin liên lạc với Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng qua số điện thoại (714) 213-2111 hay Linh Mục Trần Thế Tuyên (780) 862-9778.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145266&zoneid=1
0 comments
Post a Comment