down

3.07.2012

Năm Rồng, người Việt đua nhau đẻ 'rồng con'

March 06, 2012


Phương Ngạn/Người Việt



Trong tâm thức người Việt nói riêng và người Á Ðông nói chung, rồng là một biểu tượng của hoàn mỹ, vẻ đẹp bí ẩn và là điềm cát tường, hanh thông. Rồng mang sức mạnh giao thoa giữa thế lực siêu nhiên và con người.


Nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam ngày nay vẫn thích sinh con trai. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)


Trong mười hai con giáp, rồng là con được coi là sang trọng nhất. Nhưng nó cũng là con vật hư huyễn nhất. Dù gì, thì cứ năm rồng, lượng trẻ em ra đời tăng cao, kéo theo không biết bao nhiêu chuyện buồn, vui...

Một bác sĩ khoa sản bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam cho biết: “Theo thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam, kể từ đầu năm âm lịch đến nay, lượng trẻ sơ sinh gia tăng đột biến, có thể lên từ 130% cho đến 150%. Ðặc biệt, trẻ sơ sinh là con trai tăng 120%, điều này cho thấy cứ 12 đứa trẻ nam thì có 10 đứa trẻ nữ. Xét về mặt cân bằng dân số thì đây là mối nguy...”

“Và theo tôi dự đoán, trẻ em năm nay ra đời phần lớn là con trai, vì quan niệm ‘nam Nhâm nữ Quí’, người ta lựa chọn giới tính bằng các biện pháp thụ thai theo chu kỳ, thậm chí là y học can thiệp bằng nhân tạo... Tuy tốn kém tiền bạc nhưng người ta vẫn cứ muốn sinh con trai.”



Càng nghèo càng muốn có con trai



Ðó là tâm lý chung của nhiều ông cha, bà mẹ trẻ khi quyết định sinh con. Nhiều nhà điều tra xã hội đều có nhận định chung: Có con trai để nối dõi tông đường.

Trên thực tế, nếu có quá nhiều đàn ông nhưng lượng phụ nữ lại thấp thì nguy cơ hiếm muộn vợ con, khó khăn vợ con hoặc không có vợ con là điều sẽ xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Dũng, cha của đứa bé trai vừa ra đời ở bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam cho biết: “Tôi đã có ba đứa con trai, nhưng tôi sợ nhất là con trai số lẻ, người ta nói tam quái hoặc ngũ quỉ, nên tôi đẻ tiếp đứa này, cũng con trai, vậy là được tứ quí. Có như vậy mới làm ăn tốt!”

Một người mẹ vừa sinh thêm được đứa con trai, cũng ở bệnh viện này, nói: “Chúng tôi đã có con trai, nhưng cháu ở nhà tuổi con trâu, đàn ông mà tuổi con trâu thì khổ, nhà mình đã khổ triền miên, bây giờ đẻ đứa Nhâm Thìn cho nó sướng, sau này nó vớt vát anh nó để tội nghiệp.”

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết người phụ nữ này thuộc diện nghèo, với chị, sinh con có tuổi tốt là một cứu rỗi của gia đình.

Một phụ nữ khác, cũng vừa sinh con trai ở bệnh viện nói trên, cho biết: “Mình sinh con, đẻ cái là một cách ký gửi giấc mơ mà vợ chồng mình chưa thực hiện được, anh chồng mình khao khát trong nhà có một trí thức, mình hy vọng con mình sẽ là trí thức tương lai. Sinh năm này quí lắm, mình hy vọng lớn lắm!”



'Ðấu giá' ngày, giờ để sinh con



Thường thì phụ nữ rất sợ sinh mổ, nó làm ảnh hưởng sức khỏe và số lượng con sinh được về sau. Sinh mổ xong, người phụ nữ chỉ được sinh tối đa là hai trẻ nữa. Ðó là chưa bàn về những chuyện không hay khác, chưa muốn nhắc đến chi phí sinh mổ và tiền lót tay bác sĩ, y tá, hộ lý... Nhưng người ta vẫn thi nhau chọn giờ để mổ.

Bác Sĩ Tr., trưởng khoa sản một bệnh viện ở Quảng Nam cho biết: “Chưa có năm nào giống năm nay, mình khuyên gì người ta cũng cứ nằng nặc xin được sinh mổ. Thậm chí là phải mổ đúng giờ giấc, canh cho đúng giờ Thìn, ngày Thìn, năm Thìn...”

“Thậm chí, theo mình dự đoán thì trong Tháng Ba âm lịch sắp tới, tháng Thìn, sẽ có hai ngày mà các bệnh viện tăng ca mổ đột ngột, đó là ngày 11 và 23, vì ngày 11 sẽ là ngày Nhâm Thìn, và ngày 23 là ngày Giáp Thìn.”

“Cái quan niệm tứ trụ năm tháng ngày giờ đều Thìn sẽ được làm vua vốn là tham vọng của người phương Ðông cả ngàn năm nay. Nhất là năm nay Nhâm Thìn, mà tháng Thìn lại có ngày Nhâm Thìn như ngày 11, sẽ có rất nhiều niềm hy vọng hoặc ảo vọng con mình làm quan tướng, làm lãnh đạo của các ông cha, bà mẹ. Tôi sợ là vào buổi sáng, từ 7 đến 9 giờ của hai ngày này, sẽ có nhiều tiêu cực xảy ra ở khắp đất nước.”


Siêu âm kiểm tra sức khỏe và giới tính thai nhi tại một bệnh viện ở Quảng Nam. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)


“Sở dĩ tôi lo ngại tiêu cực là hoàn toàn có cơ sở, vì ngành y tế Việt Nam, cũng như bao ngành khác, nó vốn là cái lò tiêu cực, bây giờ cộng thêm chuyện này nữa, sẽ có nhiều gia đình giàu có muốn sinh con làm lãnh đạo, sẽ thi nhau chọn giờ, và thi nhau lót tay cho bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, thậm chí là ngấm ngầm đấu giá thù lao để được mổ đúng giờ mình yêu cầu. Không tiêu cực mới là chuyện lạ!”

Nhận xét về chuyện này, Bác Sĩ Tr., cho biết: “Thật ra, cái này cũng do tiêu cực mà có, nó là thói xấu, chẳng hay ho gì đâu! Một đứa trẻ ra đời, tương lai tốt xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nguồn gen của cha mẹ, sự nuôi nấng và nền giáo dục nó thụ hưởng mới là quan trọng. Chứ cứ canh me như thế, nhiều tham vọng quá, đứa trẻ hài nhi mới sinh ra đã phải thở trong hơi thở tham vọng của cha mẹ thì e rằng nhân cách nó dễ bị méo mó...”

“Và, tham vọng, huyễn ngã, viển vông, đánh mất nhân tính, đó là nguy cơ của nền giáo dục Việt Nam khi nó chỉ cho trẻ con một mục tiêu duy nhất: lúc nhỏ, học giỏi để được kết nạp vào đội thiếu nhi, rồi thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, lớn lên một chút, lại vào đoàn, lớn lên chút nữa, vào đảng. Chính vì cái cửa quá hẹp và chỉ có một cửa duy nhất nên trẻ con cứ thi nhau tuồn qua cửa như một đàn lợn, thật là tội nghiệp. Vậy thì rồng với rắn mà làm chi!”

Chuyện em bé ra đời là một chuyện rất người, là niềm vui của mọi ông cha bà mẹ, và là một niềm hy vọng cho tương lai, nhưng một khi sự ra đời của một hài nhi lại phải cõng quá nhiều nỗi niềm, thân phận, thậm chí cõng cả cái nghèo, sự khổ nhục, thì cũng nên xem lại cái đất nước mà hài nhi này ra đời.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145513&zoneid=310

0 comments

Post a Comment