Tel Aviv tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng để biến điều này thành hiện thực không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
> Iran tập trận phòng không
> Các cơ sở hạt nhân của Iran
Nếu Israel quyết định tấn công Iran bằng đường không, các phi công của nước này sẽ phải bay hơn 1.600 km xuyên qua những không phận không hề yên ả, thực hiện việc tiếp liệu trên không, xuyên thủng hệ thống phòng không của Tehran, tấn công cùng lúc nhiều cơ sở ngầm dưới đất và phải sử dụng ít nhất 100 chiến đấu cơ.
Nhiệm vụ khó khả thi
Các máy bay chiến đấu F-15I của Israel. Ảnh: Militaryphotos |
Đó là đánh giá của các quan chức quốc phòng và nhà phân tích quân sự Mỹ gần gũi với Lầu Năm Góc. Những người này cho rằng một cuộc tấn công của Israel nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran sẽ là một chiến dịch vô cùng phức tạp và tốn kém. Họ mô tả cuộc tấn công này khác xa với các đợt oanh kích của Israel vào một lò phản ứng hạt nhân của Syria hồi năm 2007, hay lò phản ứng Osirak của Iraq vào năm 1981.
"Tất cả các chuyên gia đều cho rằng ném bom Iran không phải là một việc dễ dàng", trung trướng David A. Deptula nói. Ông Deptula nghỉ hưu hồi năm ngoái sau khi giữ vị trí quan chức tình báo cấp cao nhất của không quân Mỹ, đồng thời từng là người lập các kế hoạch không kích của Mỹ tại Afghanistan năm 2001 cũng như trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Tiềm lực quân sự Israel |
Khả năng Israel có thể tấn công Iran đã gia tăng trong những tháng gần đây, khi những căng thẳng giữa hai nước leo thang. Trong một biểu hiện cho việc Mỹ ngày một quan tâm tới vấn đề này, ông Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia, đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem hôm 19/2, trong khi Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin E. Dempsey cảnh báo rằng việc Israel tấn công Iran sẽ gây mất ổn định. Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague thì khẳng định tấn công Iran không phải là điều khôn ngoan mà Israel nên làm ở thời điểm này.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Israel tại Washington, Lior Weintraub, cho hay Tel Aviv một mặt tiếp tục theo đuổi những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran, nhưng mặt khác cũng giống với Mỹ trong việc luôn tính đến mọi khả năng có thể xảy ra.
Khả năng Israel tấn công Iran trở thành một chủ đề được bàn bạc ở Washington, nơi một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Tel Aviv có đủ năng lực quân sự để tiến hành một chiến dịch nhằm vào Tehran. Một trong những lo ngại được đặt ra đó là Mỹ có thể phải nhảy vào cuộc để "chữa cháy" và thậm chí phải đóng vai trò kết thúc chiến dịch. Dù Mỹ có kho đạn dược và chiến đấu cơ lớn hơn rất nhiều so với Israel, việc này vẫn có thể tiêu tốn nhiều tuần lễ. Một lo ngại khác đó là sự đáp trả của Iran.
Michael V. Hayden, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ trong giai đoạn 2006-2009, tháng trước thẳng thắn cho rằng những cuộc tấn công nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran vượt quá khả năng của Israel. Những lý do để giải thích cho nhận định này đó là khoảng cách quá lớn giữa hai nước cũng như quy mô của chiến dịch.
Kịch bản không kích Iran
Các tuyến bay mà chiến đấu cơ của Israel có thể chọn để không kích các mục tiêu ở Israel. Đồ họa: CSIS |
Căn cứ vào việc Israel muốn oanh kích 4 cơ sở hạt nhân lớn của Iran, gồm các nhà máy làm giàu uranium ở Natanz và Fordo, lò phản ứng nước nặng Arak và nhà máy chuyển hóa quặng uranium ở Isfahan, các nhà phân tích quân sự cho rằng vấn đề đầu tiên đó làm thế nào để tiếp cận các mục tiêu này. Có ba con đường khả dĩ để các máy bay Israel tiến đánh Iran, gồm: bay lên phía bắc để vòng qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, đi xuống phía nam để bay qua đất Saudi Arabia và cuối cùng là tuyến đường ở giữa đi qua Jordan cũng như Iraq.
Tuyến bay qua Jordan và Iraq sẽ là con đường trực tiếp nhất. Theo các chuyên gia quốc phòng, Iraq không có hệ thống phòng không hiệu quả và Mỹ cũng không có nghĩa vụ phải bảo vệ bầu trời Iraq sau khi rút hết binh sĩ khỏi nước này hồi tháng 12/2011. "Một năm trước, đó là vấn đề khiến Israel phải bận tâm, vì chúng tôi có thể ngăn chặn các máy bay của họ nếu những phi cơ này bay ngang qua Iraq", một cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay.
Giả định rằng Jordan cho phép các máy bay Israel "quá giang", vấn đề tiếp theo là độ dài của đường bay. Israel có các chiến đấu cơ F-15I và F-16I do Mỹ sản xuất, với khả năng mang bom tới các mục tiêu kể trên tại đất Iran. Tuy nhiên, tầm hoạt động của những chiến đấu cơ này - phụ thuộc vào độ cao, tốc độ cũng như tải trọng - ở dưới rất xa mức tối thiểu là 3.200 km cho một chuyến bay "khứ hồi" Israel - Iran. Đó là còn chưa tính tới thời gian một máy bay của Israel phải bay lòng vòng để xác định mục tiêu, cũng như nguy cơ phải chống lại các cuộc tấn công của tên lửa và chiến đấu cơ của Iran.
Trong bất cứ trường hợp nào, Israel cũng phải sử dụng đến các máy bay tiếp liệu trên không. Tuy nhiên, quốc gia này được cho là không có đủ những máy bay loại này. Scott Johnson, một nhà phân tích của công ty tư vấn quốc phòng IHS Jane’s và là người đứng đầu một nhóm chuẩn bị cuộc hội thảo trực tuyến về khả năng Israel oanh kích Iran, cho rằng Tel Aviv có 8 chiếc máy bay tiếp liệu KC-707 do Mỹ chế tạo, nhưng không rõ liệu tất cả các phi cơ này có tham gia vào chiến dịch. Nếu thực sự tiến đánh Iran bằng đường không, Israel sẽ phải cải tạo lại một số máy bay hiện có để biến chúng thành những "tàu chở dầu" ở trên không.
Máy bay tiếp liệu đang tiếp nhiên liệu trên không cho chiến đấu cơ của Israel. Ảnh: AFP |
Ngay cả khi đã có đủ số máy bay tiếp liệu cần thiết, những phi cơ này cũng cần phải được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu. "Số phi cơ cần được huy động sẽ tăng vọt", ông Johnson nói. Israel có khoảng 125 chiếc F-15I và F-16I. Theo ông Johnson, một trong những phương án mà Israel có thể tính đến để tiết kiệm máy bay bảo vệ đó là cho những phi cơ tiếp liệu bay ở độ cao trên 15 km. Đây là độ cao gây khó khăn cho các hệ thống phòng không.
Israel còn cần phải sử dụng các máy bay chiến đấu được trang bị thiết bị điện tử để xuyên thủng hệ thống phòng không của Iran và vô hiệu các radar, nhằm tạo ra một hành lang an toàn cho một cuộc tấn công. Các hệ thống phòng không của Iran có thể là đời cũ (hồi năm 2010, Nga từng từ chối bán cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300 tiên tiến), nhưng chúng vẫn đủ sức gây khó khăn cho các máy bay Israel.
Các tên lửa của Iran có thể buộc những chiến đấu cơ của Israel phải ném bom trước khi tới được các mục tiêu. Iran cũng có thể đáp trả với những tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Israel, mở ra một cuộc chiến mới tại Trung Đông, dù một số quan chức Israel cho rằng hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn nếu Iran có được một vũ khí hạt nhân.
Một trở ngại nữa trong kế hoạch đánh Iran đó là khả năng những quả bom của Israel có thể xuyên phá nhà máy Natanz, nơi được xây dựng ở độ sâu gần 10m bên dưới lớp bê tông cốt thép, hay cơ sở hạt nhân Fordo được xây dựng bên trong một quả núi.
Sơ đồ các cơ sở hạt nhân ở Iran. Điểm màu đỏ là các lò phản ứng phục vụ nghiên cứu, điểm màu vàng là các mỏ uranium, còn lại là các cơ sở hạt nhân. Đồ họa: 1155/New Scientist Global Security |
Giả sử rằng không cần phải sử dụng một thiết bị hạt nhân, Israel có những quả bom phá boongke GBU-28 nặng 2,2 tấn do Mỹ chế tạo, với khả năng phá hủy những mục tiêu rắn chắc. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ những quả bom này có hiệu quả như thế nào.
Tiềm lực quân sự Iran |
Một bản báo cáo của Trung tâm Chính sách Bipartisan do Charles S. Robb, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Virginia, và Charles F. Wald, một tướng lĩnh không quân về hưu, hồi đầu tháng này khuyến khích chính quyền của Tổng thống Barack Obama bán cho Israel khoảng 200 quả bom phá boongke GBU-31 tăng cường, cũng như ba máy bay tiếp liệu tiên tiến. Robb và Wald cho hay họ không khích lệ một cuộc tấn công của Israel, nhưng những sự bổ sung là cần thiết để cải thiện khả năng cho quân đội nước này khi tiến hành một chiến dịch.
Nếu Mỹ tham gia cùng Israel hoặc quyết định tự tấn công, các nhà phân tích quân sự cho rằng Lầu Năm Góc có khả năng phát động những đợt oanh kích lớn bằng các máy bay ném bom, phi cơ tàng hình và tên lửa hành trình, với sự yểm trợ của các máy bay không người lái có khả năng phá hủy hệ thống phòng vệ của đối phương, nhằm dọn đường cho những đợt không kích trực tiếp. Các máy bay ném bom có thể bay từ căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương hoặc các căn cứ tại Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng cho rằng việc xuyên phá những cơ sở hạt nhân ở sâu nhất của Iran vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, dù cho có sự tham gia của những máy bay ném bom hiện tại của Mỹ và cả sự góp mặt của loại bom siêu xuyên phá (MOP) nặng gần 14 tấn, vốn được cho là để dành riêng cho những mục tiêu ở Iran.
"Chỉ có một siêu cường duy nhất trên thế giới có thể tiến hành chiến dịch tấn công kiểu đó", ông Deptula kết luận. "Israel chỉ giỏi trong những cuộc tấn công có chọn lọc mà thôi".
Phan Lê (theo The New York Times)
0 comments
Post a Comment