down

1.31.2012

Gần 800.000 người chết vì động đất trong thập niên

Fukushima sau trận động đất và sóng thần ngày 17/03/ 2011.
Fukushima sau trận động đất và sóng thần ngày 17/03/ 2011.
Reuters/Aly Song

Anh Vũ
Trận động đất ngoài khơi Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 đã làm 227 nghìn người chết. Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Lancet, trong thập kỷ vừa qua, tính đến hết năm 2010, các trận động đất trên thế giới đã trực tiếp, hoặc gián tiếp giết chết 780 nghìn người.

Ngoài ra, nghiên cứu còn nhấn mạnh là những cơn địa chấn trong suốt những năm từ 2001 đến 2010 đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 2 tỷ người trên hành tinh. Trận thiên tai thảm khốc nhất được ghi nhận là vụ động đất tại Haiti hôm 12/01/2010, với cường độ 7 độ Richter nó đã giết chết 316 nghìn nạn nhân. Trong khi đó, trận động đất có cường độ 9,1 độ Richter nổ ra trên Ấn Độ Dượng gây ra sóng thần kinh hoàng hồi tháng 12/2004 đã làm 227 nghìn người chết.
Đứng thứ ba trong quy mô hủy diệt là trận động đất tại tứ Xuyên, Trung Quốc, xảy ra hôm 12/5/2008. Cơn địa chấn này đã làm 87.500 người chết.
Bên cạnh những con số thống kê rùng rợn như trên, nghiên cứu được tạp chí Lancet công bố còn nhằm mục đích đánh động ý thức của các quan chức chính trị và các tổ chức cứu trợ một điều rằng, động đất là một thiên tai giờ đây phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu cũng muốn cảnh báo cho giới y học về những bệnh lý mà họ sẽ phải xử lý trong các trường hợp thiên tai này.
Theo các nghiên cứu, trong các trận động đất, có khoảng 1/3 dân cư trong khu vực bị nạn thiệt mạng. Số nạn nhân tử vong do động đất thường gia tăng thành từng đợt liên tục kể từ khi nổ ra. Trước tiên là những người bị chết ngay khi nhà cửa bị đổ sập, vài giờ sau đó đến những người bị thương tử nạn. Đợt tử nạn thứ ba tiếp tục diễn ra sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau đó.
Với những người sống sót thường thì các cơ quan nội tạng như gan, thận hay cột sống đều có vấn đề. Nghiên cứu nói trên cũng chỉ cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chiếm từ 25% đến 53% các bệnh nhân sau động đất.
Ngoài các chiến dịch khẩn cấp tìm kiếm cứu người sống sót, công tác cứu hộ còn phải đối phó với tình trạng bệnh dịch tràn lan ở những khu tập trung đông dân sau động đất, do các xác người chết bị vùi trong đống đổ nát gây ra.
Về lâu về dài, động đất còn gây tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần cộng đồng. Đó là tình trạng suy sụp tinh thần ở những nạn nhân sống sót.
Cùng với việc gia tăng dân số thế giới và phát triển đô thị trong các vùng có nguy cơ, những nguy hiểm do động đất gây ra còn lớn hơn nhiều trong những năm tới. Đó là cảnh báo của các tác giả nghiên cứu nói trên. Hiện nay các thành phố nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra động đất cao thì lại thường là các đô thị siêu lớn tập trung đông dân như Tokyo (32 triệu dân), Mêhico City (15 triệu ), Los Angeles (15 triệu), Istambul ( 9 triệu).

0 comments

Post a Comment