Những khó chịu khi mang bầu là không thể tránh khỏi nhưng làm thế nào để hạn chế chúng và cảm thấy mang bầu nhẹ nhàng như không?
Chứng táo bón
Sự thay đổi hoóc môn trong quá trình mang thai có thể khiến hệ thống tiêu hoá hoạt động chậm lại, gây ra táo bón. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân khác như chế độ ăn ít chất xơ, hoạt động thể lực giảm, tâm lý...
Phòng ngừa và xử lý
- Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng giúp máu lưu thông (đi bộ, bơi lội...) nhất là vào mỗi sáng ngủ dậy: Hãy uống một ly nước đầy, ngồi thở thật sâu, dùng lòng bàn tay massage vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại (trong khoảng 15 phút) sẽ có tác dụng kích thích các nhu động ruột, giúp việc tiêu hoá trở nên dễ dàng hơn.
- Nên ăn rau và các loại hoa quả, các thức ăn có chứa nhiều chất xơ.
- Uống nhiều nước, từ 8 - 10 ly nước hoặc sữa, nước trái cây nguyên chất (tối thiểu là 2 lít/ngày).
- Tập và tạo thói quen đi tiêu hàng ngày.
Chứng thèm ăn
Có không ít phụ nữ khi mang thai thường thích ăn những "thứ lạ" như đất sét, vôi vữa... Nguyên nhân có thể do thiếu sắt, hoặc thiếu vitamin nhóm B. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy không có sự liên quan giữa cảm giác thèm ăn với chất cơ thể cần.
Phòng ngừa và xử lý
- Nên ăn sáng mỗi ngày: Bỏ bữa sáng sẽ dễ làm tăng cảm giác thèm ăn những "món lạ" phía trên.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Người thân nên củng cố tinh thần của mẹ bầu bằng cách giải thích, chia sẻ về sự không an toàn, mất vệ sinh của các "món ăn" đồng thời "đánh lạc hướng" bằng những thực phẩm khác.
Khi mang thai, bà bầu sẽ gặp khá nhiều khó chịu như táo bón,
rối loạn đường tiểu, bệnh trĩ... (Ảnh minh họa)
Rối loạn đường tiểu
Tiểu lắt nhắt do thay đổi nội tiết làm ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, tử cung lớn làm giảm thể tích bàng quang.
Phòng ngừa và xử lý
- Nếu tiểu khó, tiểu có máu cần nghĩ ngay đến nhiễm trùng đường tiểu và đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng lúc.
- Tránh dùng những chất lợi tiểu nhẹ như cà phê, trà, rượu, bia.
- Uống nhiều nước trong ngày nhưng ngừng lại vài giờ trước khi đi ngủ.
Bệnh trĩ
Mạch máu ở hậu môn trong và ngoài đều giãn ra, tử cung lớn đè vào các tĩnh mạch trĩ, táo bón và ít vận động... được xem là những nguyên nhân gây nên tình trạng này ở thai phụ.
Phòng ngừa và xử lý
- Phòng tránh táo bón
- Việc tập thể dục có thể giúp mở rộng vùng ruột - hít sâu, không được căng thẳng.
- Đi bộ nhiều.
- Tập đi đại tiện đều đặn
- Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian quá dài.
Phù bàn chân và mắt cá chân
Thường gặp ở những tháng cuối của thai kỳ, ít khi phù nặng. Tuy nhiên, nếu thấy phù toàn thân, cả mặt và tay là triệu chứng nặng của tiền sản giật cần được theo dõi.
Phòng ngừa và xử lý
- Nên ăn uống hợp lý và uống nhiều nước, không nên ăn mặn quá.
- Khi nằm nghỉ, hãy gác chân lên cao.
- Nên đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý thích hợp nếu thấy phù nhiều hoặc có cảm giác không an tâm.
Chuột rút
Chuột rút cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở các bà bầu, chủ yếu do thiếu canxi. Nguyên nhân được xác định là do giảm calcium huyết thanh hoặc tăng phospho huyết thanh.
Phòng ngừa và xử lý
- Nên chú ý chế độ ăn có đủ thực phẩm giàu canxi như sữa, bánh quy có bổ sung canxi... để đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể 1.000 - 1.200mg canxi/ngày. Trong nhiều trường hợp, thai phụ cần được dùng các dược phẩm chứa canxi... nhưng cần phải dùng theo chỉ dẫn của bác sỹ.
- Khi bị chuột rút nên cố gắng duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân, cơ sẽ duỗi ra.
- Nếu đang nằm thì gấp bàn chân hướng lên đầu và nâng chân cao lên từ từ sẽ hết.
- Đừng đứng, ngồi hay nằm quá lâu ở một tư thế.
- Tăng cường vận động thường xuyên cho đôi chân bằng phương pháp đi bộ.
- Mang giày gót thấp.
Âm đạo của phụ nữ mang thai luôn ẩm ướt do niêm mạc nhiều mạch máu,
phù nề, tiết dịch. (ảnh minh họa)
Dịch tiết âm đạo nhiều
Là triệu chứng phụ nữ thường gặp nhất trong thai kỳ. Âm đạo của phụ nữ mang thai luôn ẩm ướt do niêm mạc nhiều mạch máu, phù nề, tiết dịch. Môi trường âm đạo thay đổi nên dễ bị nhiễm nấm cũng như những vi khuẩn khác. Trong thời gian mang thai, nội tiết nhiều nên cũng thường có lộ tuyến.
Huyết trắng có thể là chất nhầy loãng, trong, không có mùi hôi. Nếu có viêm, huyết trắng sẽ có màu hơi vàng, mùi hôi, kèm theo triệu chứng ngứa rất khó chịu.
Phòng ngừa và xử lý
- Hạn chế sử dụng thuốc đặt âm đạo vì có thể gây chảy máu và chỉ có vài loại thuốc được chứng minh an toàn đối với thai nhi.
- Chỉ nên giữ gìn vệ sinh bằng cách rửa bên ngoài, lau khô. Lưu ý giữ gìn vệ sinh khi giao hợp.
Đau lưng
Thường do thai phụ căng thẳng và mệt mỏi quá mức, cơ thể thay đổi nội tiết tố, yếu cơ bụng, tử cung tăng trọng lượng làm cột sống chịu lực nhiều. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể tăng nhanh đè lên cột sống cũng khiến lưng có xu hướng ưỡn nhiều hơn trước. Thêm vào đó, sự nhão dây chằng (giúp bé chui ra ngoài dễ dàng hơn) càng làm tăng cảm giác đau lưng.
Phòng ngừa và xử lý
- Nghỉ ngơi, dùng đai chịu lực để nâng bụng, chườm nóng và xoa bóp.
- Thay đổi vị trí, tư thế: Ngồi hay đứng lâu đều dẫn đến tình trạng đau lưng.
- Cần phải có tư thế nằm ngủ đúng và chỉ nên gối đầu cao vừa phải. Ngủ trên mặt phẳng cứng sẽ tốt cho thai phụ hơn là nằm ngủ trên nệm mềm.
- Hạn chế việc lên cân quá mức (chỉ nên tăng 9-12 kg).
- Tập thể dục để hông được cử động và giảm độ cong của xương sống, dành ít phút mỗi ngày tập các động tác thể dục vặn lưng đơn giản.
- Quỳ gối để lấy đồ vật chứ không cúi người...
- Tuyệt đối không mang giày dép cao gót.
- Nếu cảm thấy đau nhiều thì cần phải đi khám để tìm ra nguyên nhân, có thể phát hiện sớm một số bệnh như thoát vị đĩa đệm, đau khớp vệ, đau khớp cùng chậu do giãn các dây chằng...
0 comments
Post a Comment