down

12.06.2011

Tạm biệt da khô nẻ nhé!



  


Làn da sẽ không bị ngứa, rát và bong nẻ nữa!
Thời tiết lạnh và khô làm da bạn bị mất nước, một số loại vitamin và dưỡng chất quan trọng trong da cũng bốc hơi theo. Khi thiếu nước và dưỡng chất, da mất đi sự đàn hồi, khô nẻ, bong vẩy và nhăn nheo.

Vì sao da khô nẻ?

Vào mùa, đông thời tiết lạnh, cộng với độ ẩm thấp làm tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn trên da gần như không hoạt động. Da không còn được lớp màng lipit tự nhiên bảo vệ. Đồng thời, do sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm, nước trên bề mặt da bị thất thoát nghiêm trọng, khiến lớp sừng trở nên cằn cỗi. Các lớp tế bào chết bong tróc và bám đầy trên bề mặt, làn da trở nên thô ráp, sần sùi, xỉn màu mất đi độ mềm mại. Khi trời lạnh, mạch máu của con người co lại một cách tự nhiên, hạn chế lưu thông.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp năng lượng nuôi dưỡng tế bào, dẫn đến da bị nhão và chảy xệ, xỉn màu hoặc tái đi. Da thiếu nước khiến cấu trúc lớp thượng bì bị suy yếu, không có khả năng bảo vệ các lớp da nên chúng trở nên nhạy cảm, yếu ớt trước tác động của môi trường bên ngoài. Mắt và môi là nơi có làn da mỏng nhất, ít được lipit bảo vệ nên chịu ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng mất nước.

Trị bằng cách nào?


Nếu bị khô da toàn thân, bạn nên kiêng tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, không tắm lâu quá. Chớ kì cọ mạnh, chà xát bằng khăn, xát chanh hay xà phòng. Sau khi tắm nên thoa kem dưởng ẩm da có thành phần vitamin E. Bạn có thể dùng dầu ôliu thoa lên da toàn thân rồi dùng khăn mềm thấm khô, lớp dầu này giúp da giữ ẩm rất tốt.

Không nên dùng mỹ phẩm khi da khô nhiều và có kèm theo viêm da. Không rửa mặt bằng nước nóng hay xà phòng. Hàng ngày nên dùng kem dưỡng để cân bằng độ ẩm cho da hoặc xịt nước khoáng lên mặt. Không tự ý bôi kem có chứa steroid. Nếu bôi trong vòng 3-5 ngày đầu thì da sẽ đỡ nẻ, đỡ sần sùi, đỡ bong vảy.

Nhưng nếu tiếp tục bôi thì hoạt chất steroid sẽ kích thích mọc nhiều mụn trứng cá và da trở nên sần sùi như vỏ cam sành. Hoạt chất này còn gây teo da, giãn mạch làm cho da bị mỏng đi, luôn đỏ lên và có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ li ti dưới da.

Kiêng liếm môi, bóc vảy, dùng kem dưỡng môi thường xuyên để tăng cường độ ẩm. Đôi lúc, ở góc miệng nơi tiếp giáp môi trên và môi dưới xuất hiện những lằn nứt. Những lằn nứt này thường gây đau rát, khó chịu và có khi bị chảy máu. Ta thường nghĩ những lằn nứt này tạo ra do hành động há miệng quá to và làm khóe môi bị rách... Hoàn toàn không phải vậy.

Đây là hiện tượng tạo ra khi bị mất cân bằng các sinh tố trong cơ thể, có thể do có quá nhiều sinh tố A. Nếu bạn đang uống sinh tố A, hãy bớt liều lượng xuống dưới 5.000 IU mỗi ngày. Ngoài ra, trong đa số trường hợp bệnh nhân chỉ cần uống mỗi ngày từ 50mg đến 80mg sinh tố B6 là vết nứt sẽ biến mất trong vòng một vài ngày.

Nếu da bàn tay, bàn chân bị nứt nẻ, kiêng tiếp xúc với các nước tẩy rửa, xà phòng, đi gang tay cao su khi giặt giũ, rửa bát. Hạn chế rửa tay, chân, luôn giữ khô ráo. Khi rửa tay chân, lớp dầu bảo vệ da cũng bị mất đi, khiến tay chân càng khô hơn. Có thể bôi các chế phẩm làm mềm da, dịu da ngày vài lần như kem vitamin E.

Bảo vệ vùng da mắt và môi bằng sản phẩm riêng biệt. Tăng cường uống nước, nhất là nước hoa quả, sữa chua, ăn nhiều rau xanh. Thường xuyên massage da mặt, đắp mặt nạ dinh dưỡng hàng tuần giúp tăng cường tuần hoàn máu, chống lão hóa và khô nẻ da.
Theo - Thế giới Tiêu dùng

0 comments

Post a Comment