Những loại nấm quả thực chính là tinh hoa của đất ẩm, của gỗ mục, của rơm, của nước... Mùi vị, hình dáng phong phú tùy theo môi trường sinh sống, các loại nấm vì thế trở thành một thế giới cuốn hút để người sành ăn tha hồ khám phá.
Phong phú hơn bất kỳ chủng loại thực vật nào khác, nấm có thể cực kỳ đắt tiền và quý hiếm, là món ăn thượng hảo hạng nhưng cũng có thể chỉ là một loại nấm dân dã rẻ tiền. Không chỉ có thế, nấm còn là một loại thực phẩm đặc biệt vì với món này, nấm có thể đóng vai trò như rau, với món khác nấm lại thay thế cho thịt cho tôm giúp món canh rau thêm ngọt. Màu sắc, hình dạng của nấm cũng muôn hình vạn trạng, có thể là màu trắng đặc trưng, cũng có thể màu đỏ màu đen lạ mắt; có loại chỉ nhỏ bằng đầu tăm nhưng cũng có loại to như chiếc lồng bàn. Chẳng thế mà nấm có rất nhiều "tín đồ" mê thích, không chỉ ăn, thưởng thức mà còn ưa sưu tầm những loài nấm lạ.
Cao lương mỹ vị:Nhiều loài nấm dệt nên quanh mình cả một huyền thoại và được xem như một loại "cao lương mỹ vị", từ thời này qua thời kia. Vị hoàng đế luôn nuôi khát vọng trường sinh bất lão - Tần Thủy Hoàng - cũng coi nấm là một loại thực phẩm quý giá, là món ăn mà chỉ bậc đế vương mới xứng đáng được thưởng thức. Có những loại nấm được mệnh danh là "Linh chi", như nấm Bụng dê, Vuốt hổ đen, Tùng nhung, Kê tùng... Cực kỳ đắt và quý hiếm, được coi là có tác dụng diệu kỳ cho sức khỏe, những loại nấm kể trên không chỉ có giá trị dinh dưỡng đơn thuần mà còn thơm ngon, nếm một lần không thể nào quên.
Trong "họ tộc" nấm, kể đến những thứ quý hiếm và đắt tiền thì không thể không nhắc đông trùng hạ thảo. Loại nấm đặc biệt này thực ra sinh sống trên mình một loại sâu, vì thế mùa đông chúng mang hình dáng con sâu nhưng mùa hè ấm áp lại trồi hẳn ra ngoài, vươn lên khỏi mặt đất như một loài cây kỳ lạ. Được ca tụng về những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, người ta hầm đông trùng hạ thảo cùng với các loại nguyên liệu khác để thành món canh nấm dinh dưỡng ngon ngọt.
Một loài nấm cũng rất đặc biệt là nấm hải sản. Thưởng thức món này mới thấy rõ sự phong phú của họ nhà nấm. Là một loài thực vật mọc tận đáy đại dương, món nấm hải sản chỉ cần xào chung với rau quế, tỏi muối và ớt khô thôi là đã đủ tuyệt rồi, không cần loại thịt cá nào khác. Xuất xứ món nấm đã lạ, vị của nó còn lạ hơn. Được xắt mỏng tang, miếng nấm nửa gợi nhớ đến cái sần sật của ốc giác, nửa gợi nhớ tiếng giòn tan của ngó sen. Rất hợp với mùi thơm nồng của húng quế cùng vị bùi bùi của tỏi muối, vị cay của ớt khô, nấm hải sản xào tam bôi là một món đáng được tìm và nếm thử đối với những người mê nấm.
Dân dã nấm quê:Trong các chợ, siêu thị ở Việt Nam hiện nay dễ chừng có đến vài chục loại nấm lạ, đa số là nấm ngoại nhập hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài. Hình dáng lạ lùng có thể kể đến nấm đùi gà. Được gọi tên theo tượng hình của nó, nấm đùi gà trông không khác gì... chiếc đùi gà. Và cũng có từng thớ thơm ngọt như thế, nấm đùi gà được khá nhiều bà nội trợ ưa chuộng từ khi xuất hiện tại Việt Nam cách đây dăm ba năm. Các loại "nấm ngoại" còn có nấm kim châm, nấm sò, nấm mỡ... Nhưng trong tâm tưởng người Việt, có lẽ vẫn không loại nấm nào ngon bằng các loại nấm quê dân dã.
Như loài nấm rơm. Phải đúng là thứ nấm mọc lên từ những cọng rơm mục mới thật là tuyệt tác của họ nhà nấm. Những búp nấm rơm chỉ bằng đầu ngón tay, còn nguyên mũ mà vẫn thơm dìu dịu cái mùi của đồng ruộng, của lá khô, của đất ẩm sau mưa. Loại nấm này nấu canh mồng tơi hay xào cùng mướp thì ngon ngọt hơn cả tôm tươi, mà xào với hành hay ngũ vị hương thì thịt thà cũng thua xa.
Nhưng nấm rơm gọi là dân dã vẫn còn trồng được, tuy đã phôi pha cái ngon tự nhiên của nấm ít nhiều. Còn loài nấm mối mới thực sự là "tinh hoa của đất". Không một kỹ thuật nào trồng được, nấm mối như một kẻ lãng du chỉ ghé thăm vài nơi tùy hứng. Mùa mưa, canh bỏ vài cơn mưa đầu mùa là đến mùa nấm mối. Người tinh mắt sẽ thấy những mũ nấm chỉ bằng đồng xu lấp ló trên mặt đất. Chờ những giọt nắng đầu tiên rải xuống là nấm trồi lên. Đi đằng trước, đằng sau nấm đã bung xòe như đuổi theo bước chân người hái nấm. Tiện và nhanh thì nấu canh tập tàng, còn muốn một bữa lạ thì đổ bánh xèo ăn quên thôi.
Nhưng nấm rơm gọi là dân dã vẫn còn trồng được, tuy đã phôi pha cái ngon tự nhiên của nấm ít nhiều. Còn loài nấm mối mới thực sự là "tinh hoa của đất". Không một kỹ thuật nào trồng được, nấm mối như một kẻ lãng du chỉ ghé thăm vài nơi tùy hứng. Mùa mưa, canh bỏ vài cơn mưa đầu mùa là đến mùa nấm mối. Người tinh mắt sẽ thấy những mũ nấm chỉ bằng đồng xu lấp ló trên mặt đất. Chờ những giọt nắng đầu tiên rải xuống là nấm trồi lên. Đi đằng trước, đằng sau nấm đã bung xòe như đuổi theo bước chân người hái nấm. Tiện và nhanh thì nấu canh tập tàng, còn muốn một bữa lạ thì đổ bánh xèo ăn quên thôi.
Cái ngon của những loại nấm quê có lẽ không chỉ ở vị ngọt trong từng thớ thịt nấm, mà còn ở cái hương đồng gió nội, cái thú đi hái nấm, cái viễn cảnh được tự tay tìm từng búp nấm rơm hay từng chân nấm mối, là rẽ đất rẽ lá đi tìm tinh hoa của đất, của nước, của cây, của gỗ kết tụ...
Nguồn : monngonvietnam
0 comments
Post a Comment