Đắng miệng là dấu hiệu đau ốm, điều này nhiều người biết. Nhưng không mấy người hay rằng ngọt miệng cũng không tốt, vì đó là dấu hiệu tỳ vị hư suy, cơ quan tiêu hóa có vấn đề. Ngoài ra, việc cảm thấy mặn, chua cay, nhạt, chát... đều là biểu hiện xấu.
Nhiều người khi ăn thấy trong miệng có mùi vị khác hoặc không ăn vào cũng có cảm giác mùi vị khác thường. Có thể đây là dấu hiệu mắc một bệnh nào đó.
Miệng đắng: Thấy nhiều ở chứng viêm gan, viêm mật cấp tính, liên quan đến sự trao đổi chất của dịch mật. Miệng đắng còn có thể thấy trong bệnh ung thư; người bệnh không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn tăng dần cảm giác đắng với mọi đồ ăn. Điều này liên quan tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi.
Đông y cho rằng, người có cảm giác đắng trong miệng thường kèm đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền..., phần nhiều do gan, mật nhiệt gây nên. Bệnh nhân thường buồn nôn, không thiết ăn uống, nước tiểu đỏ vàng.
Miệng ngọt: Trong miệng cảm thấy có vị ngọt, còn gọi là “khẩu cam”, dù là nước lọc cũng cảm thấy ngọt hoặc ngọt pha một chút chua chua. Triệu chứng này thường thấy ở người có rối loạn tiêu hóa, đái tháo đường.
Đông y cho rằng, ngọt miệng phần nhiều do công năng của tỳ vị không bình thường gây nên, gồm hai loại. Một loại miệng ngọt do ăn các đồ cay quá, biểu hiện là miệng ngọt mà khát thích uống nước, hoặc môi lưỡi sinh mụn lở, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, mạch nhanh. Loại miệng ngọt do tuổi già hoặc bị bệnh lâu ngày, biểu hiện là miệng ngọt khô, uống nước không nhiều, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, không thiết ăn uống, đầy bụng, đại tiện lúc lỏng lúc táo.
Miệng mặn: Thấy nhiều trong viêm họng hạt mạn, viêm thận mạn tính, bệnh về chức năng cơ quan thần kinh hoặc lở loét khoang miệng. Đông y cho rằng miệng mặn phần nhiều do thận hư, kèm theo mỏi lưng mỏi gối, váng đầu ù tai, mồ hôi trộm, di tinh, rêu lưỡi ít, mạch đập nhỏ. Nếu có lạnh buốt chân tay, thần sắc uể oải, mỏi mệt rã rời, đi giải đêm nhiều lần, liệt dương, lưỡi dày... gọi là miệng mặn do thận dương hư.
Miệng chua: Gặp nhiều trong bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày. Đông y cho rằng miệng chua phần nhiều do nhiệt gan mật ngấm vào tỳ gây nên, thường kèm theo tức ngực, đau sườn, buồn nôn, sau khi ăn thì đầy bụng, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch huyền.
Miệng cay: Là trong miệng cảm thấy cay hay đầu lưỡi tê cay, thường thấy ở những người cao huyết áp. Đông y cho rằng miệng cay phần nhiều do phế nhiệt đầy ắp hoặc vị hỏa bốc lên gây ra, thường kèm ho khạc ra đờm màu vàng đặc, rêu lưỡi vàng mỏng.
Miệng nhạt: Vị giác trong miệng suy giảm, tự cảm thấy trong miệng nhạt nhẽo, thường gặp ở những người mới viêm nhiễm hoặc vào thời kỳ hết viêm như viêm ruột, lỵ và các bệnh khác ở hệ thống tiêu hóa có sinh phát sốt kéo dài. Nhạt miệng còn gặp sau ca đại phẫu, người thiếu dinh dưỡng.
Ngoài ra, miệng nhạt nhẽo vô vị, vị giác suy giảm thậm chí mất hẳn cũng là một đặc trưng của bệnh ung thư, nhất là khi xuất hiện ở một người tuổi trung niên.
Đông y cho rằng miệng nhạt phần nhiều do tỳ vị suy nhược sau khi ốm, việc vận hóa suy yếu, thường kèm các triệu chứng chán ăn, chân tay mệt mỏi rã rời, bụng đầy chướng, rêu lưỡi trắng.
Miệng chát: Hiện tượng này thường thấy ở những người có bệnh tại hệ thống thần kinh, thức thâu đêm không ngủ. Chỉ cần điều chỉnh lại thời gian ngủ là có thể loại được chát miệng. Một số khối u ác tính vào thời kỳ cuối gây chát miệng.
Miệng thơm: Bệnh nhân tự thấy trong miệng có mùi thơm hoa quả, hay gặp trong bệnh đái đường nặng.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
0 comments
Post a Comment