Liên tiếp gần đây, ĐS &PL đã phản ánh việc cơ quan chức năng phát hiện số lượng sách bò có ngâm tẩm hoá chất. Dư luận xã hội lại một phen bàng hoàng. Thêm một lần nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại làm dấy lên mối lo ngại về những ẩn hoạ chết người từ thực phẩm có hoá chất bảo quản. Hiện tại, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) đang phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành xét nghiệm các loại hóa chất được sử dụng để ngâm tẩm số sách bò nói trên. Xung quanh vấn đề ngâm tẩm hoá chất vào nội tạng gia súc, gia cầm và tác hại của nó đến sức khoẻ con người, ĐS &PL đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm chống độc (TTCĐ)- Bệnh viện Bạch Mai.
ĐS&PL: Theo thống kê, TTCĐ đã điều trị được bao nhiêu trường hợp ngộ độc do ăn phải các loại thực phẩm có sử dụng hoá chất bảo quản độc hại?
Bà Nguyễn Thị Dụ: Tính 3 tháng đầu năm 2007, số bệnh nhân ngộ độc cấp cứu tại TTCĐ khoảng hơn 300 người, trong đó số vụ ngộ độc do thực phẩm chiếm 1/3. Nguyên nhân ngộ độc nhiều có thể do một số loại thực phẩm của Việt Nam nhưng có sử dụng chất bảo quản, phụ gia thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Xin lưu ý, các phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản nhập từ Trung Quốc đều không có trong danh mục quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh về sách bò ngâm tẩm hóa chất. Không chỉ có sách bò mà tất cả nội tạng của gia súc, gia cầm rất dễ bị phân huỷ trong một thời gian ngắn, dẫn đến việc người kinh doanh phải ngâm chúng vào các hoá chất để bảo quản.
ĐS&PL: Vậy sách bò cũng như các loại thực phẩm có ngâm tẩm hoá chất độc hại khi sử dụng sẽ gây ngộ độc như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Dụ: Khi ăn thực phẩm có chứa hóa chất độc hại với số lượng nhiều có thể ngộ độc cấp, ăn số lượng ít thì chất độc sẽ âm ỉ và ngấm vào cơ thể. Sau đó nó sẽ xâm nhập vào tế bào. Đây là nguy cơ dẫn đến khả năng người phụ nữ có thể sinh con quái thai, hoặc không có khả năng sinh nở. Theo thông tin mà tôi nắm được tim gan gia súc, gia cầm ở chợ Mơ (Hà Nội) còn được nhào với một loại bột trắng. Đây là một loại hoá chất bảo quản để giữ tươi thực phẩm. Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về việc, các loại nội tạng như tim, cật, chân gà nhập từ Trung Quốc rất độc hại. Tôi cho rằng, ngay cả nội tạng tươi ăn cũng không tốt vì trong các sản phẩm đó có chứa chất Axitđuric gây đau khớp và gây bệnh gút.
ĐS&PL: Vậy bà có lời khuyên nào cho người tiêu dùng thực phẩm?
Bà Nguyễn Thị Dụ: Nếu chẳng may sử dụng các loại thực phẩm có chứa hóa chất gây ngộ độc cấp, trước khi đưa cấp cứu đến BV nên cho người bệnh uống ngay thuốc giải độc Antipois. Người lớn có thể sử dụng 200ml thuốc này /ngày, trẻ em dưới 2 tuổi có thể sử dụng 120ml/ngày. Loại thuốc này được chế xuất từ than hoạt tính của Nhật Bản và Sorbitol không gây ra những phản ứng phụ. Trong mỗi tủ thuốc của gia đình nên sẵn có một tuýp thuốc Antipois để đề phòng bất chắc khi xảy ra ngộ độc.
Trung Quang (thực hiện)
0 comments
Post a Comment