down

4.09.2012

Tại sao một số hãng lớn chuyển qua sử dụng OpenStreetMap?


[IMG]

Dù nền tảng iOS vẫn sử dụng dịch vụ bản đồ Google Maps nhưng Apple đang dần chuyển qua sử dụng một dịch vụ bản đồ mở có tên OpenStreetMap kể từ ứng dụng iPhoto cho iOS. Không riêng gì Apple, một số dịch vụ trực tuyến khác như Wikipedia hay Foursquare cũng đã không chơi với Google Maps nữa. Cái tên Microsoft chưa xuất hiện ở đây nhưng ít ai biết rằng, Microsoft đang có mối quan hệ rất tốt đẹp với OpenStreetMap và Bing cũng sử dụng dữ liệu của OpenStreetMap cho dịch vụ bản đồ của mình.

Google Maps là một dịch vụ bản đồ trực tuyến, cung cấp thông tin vị trí, dẫn đường, hình ảnh vệ tinh... cho người dùng của Google. Hầu hết các ứng dụng có liên quan tới vị trí hiện nay đều sử dụng dữ liệu của Google Maps. Theo một thống kê mà comScore thực hiện, có tới 71% trong tổng số 97,1 triệu người dùng tại Mỹ sử dụng bản đồ trực tuyến trong tháng 2 với dịch vụ bản đồ do Google cung cấp.

Dù những người dùng thông thường như chúng ta được sử dụng Google Maps miễn phí nhưng thực ra các hãng thứ ba đều phải trả một khoản phí sử dụng nhất định cho Google. Lấy ví dụ với ứng dụng Bản đồ trên iPhone/iPad, chúng ta sử dụng chúng không mất tiền nhưng Apple phải trả tiền cho Google để tích hợp dữ liệu Google Maps vào ứng dụng của mình. Google đã áp dụng thu phí với các hãng lớn nhưng tháng 10 năm ngoái, họ công bố sẽ thu phí mọi ứng dụng, trang web tạo ra trung bình 25.000 lượt xem bản đồ một ngày trong vòng 1 quý. Đây được gọi là phí truy cập API đối với các đối tác. Ngoài ra, Google còn thu tiền với những đường link tài trợ nhưng số tiền này không đáng kể so với khoản phí nói trên.

Trong số những công ty lớn và nổi tiếng, Foursquare là cái tên đầu tiên bỏ chơi với Google và chuyển qua OpenStreetMap. Sau Foursquare tới lượt Apple khi ứng dụng iPhoto trên iOS đã chuyển qua sử dụng dữ liệu của OpenStreetMap và mới đây nhất là Wikipedia. iPhoto là ứng dụng đầu tiên của Apple chuyển qua OpenStreetMap, rất có thể trong thời gian tới sẽ có nhiều dịch vụ hơn, thậm chí là iOS của Apple từ bỏ Google Maps.

Đây mới chỉ được coi là bước khởi đầu tốt đẹp cho OpenStreetMap. Nếu so sánh với Google Maps thì dự án bản đồ mã nguồn mở này vẫn có số lưu lượng khá khiêm tốn. Google Maps có 65 triệu người dùng trong tháng 2, tăng 16% so với một năm trước đó. Đứng thứ 2 là MapQuest (dịch vụ bản đồ của AOL) với 35 triệu người dùng, giảm 13%. Vị trí tiếp theo thuộc về Bing Maps của Microsoft với 9 triệu người dùng.

Microsoft là một công ty lớn cũng có liên quan tới OpenStreetMap. Hiện người sáng tạo ra OpenStreetMap là Steve Coast đang làm việc cho bộ phận Bing của Microsoft, đồng thời vẫn điều hành OpenStreetMap. NY Times tiết lộ rằng Microsoft có đóng góp không nhỏ lượng dữ liệu bản đồ cho OpenStreetMap và dịch vụ tìm kiếm Bing của họ cũng sử dụng dịch vụ bản đồ mã nguồn mở này. Steve Coast không tiết lộ nhiệm vụ của mình tại Bing nhưng một số nguồn tin cho rằng anh này đang phát triển một phần mềm mã nguồn mở giúp các nhà phát triển sử dụng OpenStreetMap được dễ dàng hơn.

OpenStreetMap là một dự án bản đồ mã nguồn mở ra đời vào năm 2004. Nó tồn tại theo cách mà Wikipedia đã sống tới ngày hôm nay tức những tình nguyện viên sẽ cung cấp thông tin bản đồ để xây dựng một dịch vụ bản đồ miễn phí và mã nguồn mở. Vào năm 2006, quỹ OpenStreetMap (OSMF) đã được thành lập để khuyến khích sự phát triển và phân phối OpenStreetMap. Quỹ này cho biết có khoảng nửa triệu tình nguyện viên đã cung cấp dữ liệu bản đồ cho OpenStreetMap.

0 comments

Post a Comment