down

12.16.2007

Vàng da, nước tiểu đục: bệnh gì?


TS - 25 tuổi, sức khỏe bình thường, không ốm vặt nhưng da bị vàng, nhất là ở lòng bàn tay. Đi tiểu có lúc đục như nước vo gạo. Xin hỏi có phải bị ảnh hưởng bởi thận không?

- Vàng da là hiện tượng da bị vàng (và mắt cũng bị vàng) do tích tụ sắc tố mật bilirubin trong máu. Vàng da thường là dấu hiệu của bệnh lý ở hệ gan - mật (bilirubin được sinh ra do hồng cầu già bị phá hủy, phóng thích hemoglobin và bilirubin. Bilirubin đến gan và được bài tiết vào mật). Có 3 loại vàng da:

- Vàng da do tán huyết: do hồng cầu bị phá hủy quá nhiều (do các bệnh như sốt rét, bệnh về máu...) khiến gan làm việc không kịp để chuyển hóa.

- Vàng da do tế bào gan bị suy không chuyển hóa được bilirubin khiến bilirubin bị ứ đọng lại nhiều trong máu gây vàng da. Thường gặp trong bệnh viêm gan, suy gan...

- Vàng da tắc mật: do đường mật bị tắc nghẽn vì sỏi hay khối u hoặc do bẩm sinh khiến mật bị ứ lại trong gan dẫn đến nồng độ bilirubin trong máu tăng lên gây vàng da.

Ngoài ra cũng có 1 loại vàng da nhưng không liên quan gì đến bệnh lý gan - mật và cũng rất thường hay gặp là vàng da do tích tụ nhiều carotene do ăn nhiều thức ăn chứa carotene như cà-rốt, đu đủ, bí rợ... Loại vàng da này thì mắt không bị vàng, bạn chỉ cần ngưng ăn các thức ăn kể trên là hết.

Vấn đề tiểu ra nước tiểu đục như nước vo gạo của bạn có thể là bệnh lý nhưng cũng có thể là do sinh lý.

- Do sinh lý như: ăn quá nhiều thức ăn có chất đạm, thức ăn có tính kiềm khiến nước tiểu bị đục. Ngoài ra, khi nước tiểu mới ra ngoài cơ thể thì trong nhưng để một thời gian sau thì đục do các vi khuẩn ngoài môi trường làm cho nước tiểu bị biến chất, nước tiểu bị lắng đọng các tinh thể photphat kiềm thổ.

- Do bệnh lý:

• Do rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể khiến nước tiểu có nhiều muối photphat, urat (trong bệnh Gout).

• Do đái ra dưỡng trấp: nước tiểu đục trắng như nước vo gạo, thường gặp trong bệnh giun chỉ, lao, u sau phúc mạc, chấn thương, vỡ các mạch bạch huyết dị dạng bẩm sinh.

Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở y tế khám để các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm bilirubin máu, chức năng gan, thử nước tiểu, siêu âm tổng quát... để tìm nguyên nhân vàng da và tiểu đục của bạn mới điều trị đúng đắn được.

BS NGUYỄN ĐÌNH SANG

Chuyên khoa bác sĩ gia đình, TS Y tế quận I


Muốn con có chiều cao như ý, nhiều bà mẹ đã liên tục cho trẻ uống thêm thuốc bổ chứa vitamin và canxi. Nếu uống quá nhiều, canxi sẽ tích tụ khiến thận bị vôi hóa. Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM tiếp nhận nhiều trẻ nước tiểu có cặn đục trắng, kết quả xét nghiệm cho thấy có oxalat canxi. Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận, chất này có trong nước tiểu chứng tỏ trẻ bị thừa chất canxi do ăn uống hoặc dùng thuốc. Một số bà mẹ mới thừa nhận, chỉ vì muốn trẻ cao hơn mà họ đã tự ý cho trẻ uống rất nhiều canxi.

Bác sĩ Nguyễn Bích Phượng, khoa Thận Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định, đúng là canxi có trong phác đồ điều trị cho những trẻ lùn do thiếu hoóc môn tăng trưởng hoặc do thể tạng. Tuy nhiên, dù là thuốc bổ thì canxi vẫn phải được dùng đúng liều lượng chứ không phải uống bao nhiêu tùy thích. Trẻ uống quá nhiều canxi sẽ bị táo bón, tăng canxi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ bị vôi hóa thận. Còn trẻ uống quá nhiều vitamin D sẽ bị lên cơn co giật.

Nhiều bà mẹ thấy con mình lùn hơn so với các bạn cùng lứa đã hỏi bác sĩ xem có loại thuốc nào uống để cao lên không. Theo bác sĩ Bích Phượng, nhiều trẻ bị lùn do di truyền hoặc do mắc một số bệnh như loạn sản sụn xương, có bất thường về nhiễm sắc thể, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, gan thận, huyết học, tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu hormone tăng trưởng...

Với những trẻ bị lùn do bệnh lý, nếu phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời thì có thể cải thiện chiều cao. Trong trường hợp trẻ bị lùn do thiếu hoóc môn tăng trưởng, bác sĩ giúp trẻ tăng chiều cao bằng cách chích thêm hoóc môn. Ngay cả những trẻ không mắc bệnh lý gì mà có chiều cao thấp hơn so với biểu đồ tăng trưởng, nếu gia đình chấp thuận điều trị, bác sĩ sẽ chích hoóc môn tăng trưởng để giúp trẻ cao thêm.

Bác sĩ Bích Phượng nhấn mạnh, những trường hợp này được điều trị càng sớm càng tốt vì trẻ còn quỹ thời gian dài, hồi phục chiều cao tốt. Còn khi gần đến tuổi 18 mới đến bác sĩ thì xương đã đóng, dù điều trị tích cực đến mấy cũng khó thay đổi được chiều cao.

0 comments

Post a Comment