down

2.25.2012

Nhà giàu sang Mỹ tìm người đẻ mướn

24/2/2012

Nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc đang kéo sang Mỹ tìm người đẻ thuê để có đứa con như ý và lại có ngay quốc tịch Mỹ.
> Người Việt sang Thái kiếm 'rồng con'
> Đẻ thuê đắt khách


Ngày càng nhiều em bé Trung Quốc ra đời từ dịch vụ hỗ trợ sinh sản tại Mỹ. Ảnh minh họa: donor

Trong nhiều năm, người Mỹ đến Trung Quốc nhận con nuôi. Nhưng bây giờ là ngược lại, các cặp vợ chồng Trung Quốc tìm đến Mỹ để được trở thành bố mẹ thông qua dịch vụ đẻ thuê.

California, bang có cộng đồng người Mỹ gốc Hoa lớn cùng với những quy định không mấy ngặt nghèo của tòa án đối với vấn đề đẻ thuê là một điểm đến lý tưởng cho nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đang tìm kiếm vận may về đường con cái.

Jerry Zhu và Grace Sun là người Bắc Kinh. Họ đã dành dụm được số tiền 60,000 USD trong tổng số 100,000 USD chi phí cho một lần sử dụng dịch vụ thuê đẻ. Họ hy vọng rằng cuối năm sau họ có thể đến Los Angeles để bắt đầu làm thủ tục.

“Chi phí rất tốn kém, nhưng nếu chúng tôi có một đứa con thì điều đó sẽ mang đến cho chúng tôi một gia đình đúng nghĩa. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cậu con trai.” Zhu, quản lý một xưởng sản xuất đồ nội thất, nói.

Các nhà chức trách Mỹ và Trung Quốc nói rằng họ không theo dõi số lượng các cặp vợ chồng Trung Quốc tìm đến các dịch vụ đẻ thuê ở Mỹ, nhưng các chuyên gia về đẻ thuê và các nhà điều hành các phòng khám y tế nói rằng số lượng này đã và đang tăng lên đáng kể.

“Trong năm ngoái, số lượng các cặp vợ chồng Trung Quốc sử dụng dịch vụ này tăng đến chóng mặt dù trước đó chẳng có ca nào,” Parham Zar, giám đốc quản lý của Viện cung cấp trứng và mang thai hộ ở Los Angeles cho biết. Ông ước tính rằng khoảng một nửa số khách hàng của công ty ông là các cặp vợ chồng Trung Quốc.

Công ty chuyên dịch vụ đẻ thuê của San Diego có ba văn phòng đại lý đặt tại Trung Quốc để tìm kiếm các cặp vợ chồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ mang thai hộ. Giám đốc điều hành của công ty, Dinana Van De Voort-Perez nói rằng, năm ngoái, trong số 140 cặp khách hàng của công ty thì có đến 40% khách hàng là cặp vợ chồng Trung Quốc.

Zhu, 42 tuổi và Sun, 35 tuổi nói rằng họ chưa quyết định chọn phòng khám nào, nhưng họ muốn làm các thủ tục ở Nam California vì ở đây có nhiều cơ sở y tế chuyên về đẻ thuê. Đôi vợ chồng này muốn giấu tên thật vì theo họ nhiều người Trung Quốc không tán thành với việc có con bằng cách thuê đẻ. Mặc dù vậy, họ quyết định tìm đến biện pháp này sau một số lần người vợ bị sẩy thai.

“Tất nhiên chúng tôi mong muốn có con một cách tự nhiên hơn, nhưng giờ chúng tôi nhận thấy rằng điều đó có lẽ là không thể,” Zhu nói.

Cũng giống như hầu hết các cặp vợ chồng hiếm muộn khác, Zhu và Sun đặt hy vọng vào cái gọi là mang thai hộ, với phôi thai được tạo thành từ sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của hai bố mẹ sau đó cấy vào tử cung của người sẽ được thuê để mang thai.

Các giám đốc của phòng khám nói rằng chi phí cho một quá trình mang thai và đẻ thuê có giá từ 80.000 USD đến 120.000 USD. Chi phí có thể cao hơn nếu có biến chứng hoặc là việc cấy ghép phải lặp đi lặp lại.

Chi phí sẽ tăng lên 30.000 USD nếu tế bào trứng của người mẹ yếu. Trong trường hợp này, các phòng khám có trứng tài trợ từ những phụ nữ khác để đáp ứng nhu cầu cấy phôi.

Hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc yêu cầu trứng phải được lấy của những phụ nữ cùng gốc Hoa. Việc này đã đẩy giá dịch vụ lên cao. Tiến sĩ Jeffrey Steinberg của Viện sinh sản ở Encino cho biết.

Một phụ nữ da trắng thường được trả từ 5.000 USD đến 8.000 USD cho 10 - 14 trứng như là một khoản đền bù cho công sức, thời gian và sự đau đớn mà họ phải chịu khi đồng ý “hiến tặng” trứng. Trong khi đó, một phụ nữ Trung Quốc có thể ra mức giá lên tớn 15.000 USD hoặc cao hơn nữa.

“Đó là vì cung và cầu,” Steinberg nói. “Người cho trứng Trung Quốc là hàng đặc biệt’.

Shelly Smith, giám đốc của Chương trình tài trợ trứng ở Studio City, nói rằng bình thường bà không mua trứng của những người phụ nữ Trung Quốc với giá cao hơn, nhưng bà đã thừa nhận rằng đang có kế hoạch sẽ trả một phụ nữ Trung Quốc đang sống ở New York 15.000 USD. Giá này cao hơn mức giá thông thường mà bà đã trả.

Bà phải trả cao như thế bởi vì người phụ nữ này đã tặng trứng nhiều lần và trứng có khả năng thành công cao. Nhưng ngoài ra thì cũng còn một vài yếu tố khác.

“Trứng của phụ nữ này rất đắt khách, cô ấy đã đạt được 1600 điểm khi thi SAT, (kỳ thi thường được các trường đại học Mỹ dựa vào để đánh giá trình độ các học sinh khi xét tuyển). Cô ấy cực kỳ xinh đẹp và đã tốt nghiệp tại một trường đại học hàng đầu của Mỹ”, Smith nói.

Các khách hàng người Trung Quốc đã trở nên hết sức quan trọng đến mức các phòng khám y tế về đẻ thuê của California phải thuê các đại lý đặt tại Trung Quốc để phát triển công việc kinh doanh.

Li Dong Ming làm việc ở Bắc Kinh cho một văn phòng về Giải pháp mang thai hộ và công ty liên kết của nó là Thụ tinh trong ống nghiệm toàn cầu (Global IVF) ở Encino. Cô nhận được hoa hồng cho việc tìm kiếm được mỗi khách hàng lựa chọn dịch vụ của công ty. Tuy nhiên Li từ chối cho biết mức hoa hồng mà cô nhận được là bao nhiêu.

Li nói rằng việc tìm kiếm khách hàng không mấy khó khăn. “Các cặp vợ chồng Trung Quốc muốn đến Mỹ làm các dịch vụ này bởi vì họ nghĩ rằng khoa học ở đó tốt hơn ở trong nước và đứa con là cả một gia tài, bởi vậy nếu tình hình tài chính cho phép, giấc mơ của họ là có con ở Mỹ”,

Theo luật của Mỹ, bất cứ đứa trẻ nào sinh ra ở Mỹ sẽ ngay lập tức được coi là công dân Mỹ, điều này sẽ có giá trị ngay cả nếu sau khi sinh, bố mẹ mang con về Trung Quốc.

Robert Walmsley, một luật sư chuyên về các trường hợp đẻ mướn, nói rằng cái mác công dân Mỹ làm cho dịch vụ này càng thêm “hấp dẫn” đối với các khách hàng Trung Quốc của ông, khiến số lượng này tăng lên 20% trong vòng ba năm qua.

Giống như nhận xét của một số chuyên gia khác, ông nói rằng xu hướng tìm đến dịch vụ đẻ mướn của các cặp vợ chồng Trung Quốc đang tăng lên xuất phát từ nền kinh tế của nước này phát triển mạnh.

Giám đốc các phòng khám nói rằng nhiều khách hàng người Trung Quốc của họ là ở độ tuổi trung niên, giờ đây họ có khả năng chi trả cho việc nuôi dưỡng đứa con thứ hai đồng thời họ cũng có thể trả cho khoản phạt nặng về tài chính bởi việc vi phạm chính sách một con của Trung Quốc.

“Trong năm ngoái, chúng tôi có vài khách hàng là các cặp vợ chồng Trung Quốc đã có một con ở độ tuổi từ 16 - 25,” Juli Dean, giám đốc của một công ty đẻ thuê ở thành phố biển Newport nói. “Họ muốn bắt đầu lại.”

Tuy nhiên quá trình này không phải luôn luôn dễ dàng. Dean cho biết rằng một số cặp vợ chồng Trung Quốc coi hình thức mang thai hộ như là một giao dịch thương mại và xem những người mẹ mang thai hộ như người làm thuê. Còn những bà mẹ đẻ mướn người Mỹ lại có khuynh hướng muốn giữ mối quan hệ với cặp vợ chồng mà họ đã được thuê để mang thai.

“Chúng ta phải giáo dục, giúp (các cặp vợ chồng Trung Quốc) nhận thức rằng đẻ thuê không phải là một nghề. Nó còn cao cả và lớn hơn một giao dịch kinh doanh,” Dean nói. “Chúng ta phải nói với các cặp vợ chồng Trung Quốc rằng nghĩ như vậy là không tôn trọng đối với người mẹ đẻ thuê. Có rất nhiều điều trong văn hóa Trung Quốc dạy con người về sự kính trọng. Vì thế họ có thể dễ dàng chấp nhận điều này.”

Ngoài những khác biệt về văn hóa, việc tiến hành thủ tục mất nhiều thời gian làm cho kế hoạch của các cặp vợ chồng không phải lúc nào cũng như ý muốn của họ.

Amy Lee, 42 tuổi và chồng cô Harry, 48 tuổi từ Hong Kong, lần đầu bay đến Los Angeles vào năm 2010 để bắt đầu các thủ tục đẻ thuê. Cặp vợ chồng dùng tên tiếng Anh này đã luôn ao ước có một đứa con, nhưng sự nghiệp của họ - người vợ là một giáo sư dạy về điện ảnh và chồng là nhà quản lý một công ty công nghệ - đã chiếm toàn bộ thời gian, và công sức của hai người.

Người mà họ thuê đã mang thai nhưng lại bị sảy khi thai được 2 tháng. Cuối năm đó, Lee đến một cơ sở y tế cung cấp dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp ở Bắc Kinh. Người được thuê mang thai thứ hai cũng lại bị sảy tiếp. Lee quyết định sẽ không tìm kiếm vận may thêm lần nào nữa ở các phòng khám ở Trung Quốc.

Vì thế năm trước Lee quay lại California ba lần để làm việc với hai người đẻ thuê. Lần thứ nhất không mang lại kết quả. Xét nghiệm cho thấy không đậu thai. Lần thứ hai thai đậu, nhưng sau đó lại bị sảy.

Vợ chồng cô cố gắng một lần nữa vào tháng mười hai với một người đẻ thuê khác. Hiện người này đang mang thai và vợ chồng Lee đang tràn đầy hy vọng rằng việc mang thai lần này sẽ an toàn đến tận cuối thai kỳ.

“Thực sự là nhu cầu về dịch vụ đẻ thuê ở Trung Quốc đang rất lớn, nhưng đây lại là việc bất hợp pháp ở nước chúng tôi,” Lee nói. “Vậy thì các cặp vợ chồng Trung Quốc, như chúng tôi, biết phải làm sao?”

Cao Thu (theo LA Times)

0 comments

Post a Comment