down

4.12.2008

Ăn uống với ung thư bàng quang


Bàng quang chứa đựng nước tiểu, trong nước tiểu có rất nhiều chất thải khác nhau và một số trong đó có tác dụng gây ung thư. Sự lặp đi lặp lại tác động của các chất này trong một thời gian dài có thể gây nên biến đổi, đột biến gen của các tế bào biểu mô bàng quang và gây ung thư.
Bàng quang - Túi nước tiểu

Bàng quang là bộ phận chứa nước tiểu được lọc từ 2 quả thận để rồi sẽ được thải ra ngoài từng đợt trong ngày khi chúng ta đi tiểu tiện. Bàng quang trong hệ tiết niệu cũng tương tự như đại tràng trong hệ tiêu hóa, chúng là nơi chứa đựng các chất cặn bã trước khi thải ra ngoài. Chính vì đặc điểm đó nên cả bàng quang và đại tràng là hai bộ phận có nguy cơ bị ung thư cao nhất trong hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa.

Bàng quang chứa đựng nước tiểu, trong nước tiểu có rất nhiều chất thải khác nhau và một số trong đó có tác dụng gây ung thư. Sự lặp đi lặp lại tác động của các chất này trong một thời gian dài có thể gây nên biến đổi, đột biến gen của các tế bào biểu mô bàng quang và gây ung thư. Bàng quang cũng là nơi có thể chứa đựng các viên sỏi được hình thành do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại, đó cũng là nơi dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào.

Các yếu tố này như là các tác nhân tạo thuận lợi về mặt hóa học và sinh học góp phần làm tăng thêm nguy cơ ung thư bàng quang. Do tỷ lệ bị ung thư bàng quang là khá cao và khá phổ biến trong cộng đồng nên những nghiên cứu về tác động của dinh dưỡng và lối sống đối với ung thư bàng quang cũng ngày càng được nói nhiều. Bên cạnh những thực phẩm tốt có khả năng ngăn ngừa ung thư bàng quang thì cũng có nhiều thực phẩm có nguy cơ gây ung thư bàng quang.

Thức ăn gây ung thư bàng quang

Trước khi tìm hiểu các thức ăn chống ung thư bàng quang, chúng ta cần hiểu rõ các nguyên nhân gây ung thư bàng quang rất hay gặp trong cuộc sống. Đó là hút thuốc lá và một số phụ gia thực phẩm. Hút thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây ung thư bàng quang một cách rõ ràng. Khói thuốc lá hủy hoại phổi đã đành, khói thuốc với hàng nghìn hóa chất sau khi vào máu sẽ được thải qua thận để rồi được chứa trong nước tiểu ở bàng quang và tại đây các hóa chất này dần dần gây hủy hoại hoặc đột biến các tế bào biểu mô bàng quang. Nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư bàng quang rất cao.

Phụ gia thực phẩm gây ung thư bàng quang hiện nay được nói nhiều là chất tạo ngọt nhân tạo cyclamate và chất làm giòn thực phẩm acrylamide. Các chất này cần được kiểm soát chặt chẽ về hàm lượng đưa vào thực phẩm để phòng tránh các nguy cơ ung thư tiềm ẩn. Uống cà phê có thể được nói đến là có lợi đối với một số bệnh nhưng đối với bàng quang thì chính nó lại là yếu tố làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư. Người uống hơn 4 ly cà phê mỗi ngày có nguy cơ ung thư bàng quang cao gấp 2 lần so với nhóm không uống cà phê. Lối sống cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư bàng quang, người béo phì có tỷ lệ ung thư loại này cao hơn so với nhóm người bình thường.

Thực phẩm giảm ung thư bàng quang

Bên cạnh các chất gây ung thư bàng quang, trong thực phẩm vẫn có rất nhiều chất giảm ung thư bàng quang. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chất glucosinolate có trong rau bông cải xanh (brocolli) có khả năng ức chế sự phát triển của khối u tế bào biểu mô bàng quang. Nghiên cứu cho thấy nhóm người ăn hơn 2 lần loại rau bông cải xanh này mỗi tuần sẽ giảm được 44% nguy cơ ung thư bàng quang so với nhóm chứng.

Trà xanh với hoạt chất ECGC (Epi Gallo Catechin Gallate) cũng được chứng minh có khả năng ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư bàng quang trên chuột. Thói quen uống trà xanh còn đem lại cho người tiêu dùng nhiều lợi ích khác về sức khỏe của hệ tim mạch.

Chất chiết xuất từ lá cây tầm gửi cũng được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa ung thư bàng quang. Hoạt chất lectin chiết xuất từ cây này có tác dụng lưu lại tại bàng quang trong một thời gian dài và có tác dụng bảo vệ.

Vitamin E từ các thực phẩm giàu vitamin E cũng giúp làm giảm đến 42% nguy cơ ung thư bàng quang.

Chất folate có trong thực phẩm nếu được ăn với lượng đầy đủ cũng giúp bảo vệ các thương tổn DNA tế bào và do đó giúp phòng ngừa ung thư bàng quang. Hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ trong năm 2003 đã cho biết người không ăn đủ folate có nguy cơ ung thư bàng quang cao gấp 3 lần so với người ăn uống đủ folate.

Gần đây nguyên tố selenium cũng được cho là chất chống oxy hóa mạnh và có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang.

Ung thư đến ngày hôm nay vẫn là một bệnh khó chữa trị, do vậy việc phòng ngừa là quan trọng. Hiểu rõ các yếu tố gây nguy cơ và các yếu tố bảo vệ để chúng ta có sự lựa chọn thích hợp nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ung thư bàng quang. Thật ra, dinh dưỡng và lối sống là chiếc chìa khóa cho sự thành công trong lĩnh vực này.

Theo Khoa học phổ thông

0 comments

Post a Comment