Tại lò mổ Vinh Anh (Từ Liêm, Hà Nội), một con lợn đã được mổ banh nằm toang hoác dưới sàn nhà với phổi có nhiều đốm trắng đục, hai mạng mỡ chuyển màu tái tím. Người lấy hàng cho rằng lợn tai xanh, còn chủ lò mổ cãi là không. Rốt cục con lợn vẫn được xuất chuồng.
Lò mổ ở phố Phùng Khoang là một trong các lò mổ còn tồn tại trong nội thành Hà Nội. Khi chúng tôi có mặt tại lò mổ này, dù đã vào buổi chiều nhưng vẫn có hàng chục con lợn bị nhốt trong chuồng chờ được "hoá kiếp".
Lò mổ không đảm bảo vệ sinh
Mới bước chân vào khu giết mổ, một mùi đặc trưng của cống rãnh, chất thải, phân gia súc xộc thẳng vào mũi.
Anh bạn đi cùng vô tình giẫm chân vào một đống bèo nhèo trên mặt đất.
Ngay lập tức, hàng ngàn con ruồi, nhặng bay túa lên, va vào mặt chúng tôi.
Khu giết mổ gia súc ẩm thấp, sàn nhà xi măng quanh năm suốt tháng dầm trong nước thải và phân.
Mỗi gian giết mổ rộng chưa đầy 10m2 chỉ được ngăn cách với chuồng nhốt bằng những tấm song sắt.
Trước mắt chúng tôi, người ta đang lôi những con lợn trong chuồng ra, xối qua quýt rồi chọc tiết, dội nước sôi và mổ ngay trên sàn nhà tanh khẳn vì tiết lợn lưu cữu.
Ruột, gan, phèo, phổi được lôi tuột ra, vứt luôn trên sàn nhà, dính đầy lông và phân lợn. Được biết mỗi ngày, lò mổ này "hóa kiếp" khoảng 100 con lợn.
Lợn mổ xong hầu như được những người buôn thịt lợn mang đi phân tán về các chợ ngay, còn lòng và nội tạng phải qua khâu sơ chế. Phụ trách công việc này thường là phụ nữ.
Chúng tôi hỏi chuyện một chị đang vơ đống lòng trên sàn vứt vào máng xi măng.
Rất vô tư, chị chỉ cái máng bằng xi măng nói: "Lòng, nội tạng cho hết vào đây và tuốt là xong".
Chiếc máng đục ngầu, nước đỏ lờ lờ là nơi rửa hơn chục bộ lòng và chứa những chất còn sót lại ở ruột non, ruột già.
Sau đó, chị Tâm đứng dậy dùng chiếc xẻng đen sì vì hót than, đặt một miếng gan cho vào lò nướng. Tò mò, chúng tôi hỏi và được biết, gan nướng qua rồi sau đó sẽ được chế biến thành patê.
Nhưng điều đó không thấm tháp gì so với những chuyện chúng tôi chứng kiến tại lò mổ Vinh Anh ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Một con lợn đã được mổ banh nằm toang hoác dưới sàn nhà. Phổi của nó đã có nhiều đốm trắng đục, hai mạng mỡ chuyển màu tái tím. Người lấy hàng thì cho rằng con lợn đã bị bệnh tai xanh, còn chủ lò mổ cãi là không, nhưng rốt cục con lợn vẫn được chở về một chợ nào đó trong nội thành.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có các lò mổ lợn là Thịnh Liệt (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), lò Khương Đình (đường Bùi Xương Trạch), hai lò Phùng Khoang (Từ Liêm).
Bên cạnh đó còn các lò giết mổ trâu bò tập trung chủ yếu ở phường Mai Động. Điều đáng lo ngại là ở Hà Nội chưa có cơ sở giết mổ gia súc nào đủ điều kiện giết mổ.
Một lãnh đạo của Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, đến 2010 Hà Nội mới hoàn chỉnh các lò mổ mới ở một số huyện, và thành phố cũng không có phương án nâng cấp các lò mổ hiện tại.
Bên cạnh chuyện ô nhiễm từ các lò giết mổ gia súc và mất ATVSTP đã được nói đến nhiều lần, điều đáng lo ngại là hầu hết những nhân viên làm tại các lò mổ không hề có phương tiện bảo hộ lao động nào, ngoại trừ những đôi ủng mà theo quan sát của chúng tôi, nhiều đôi cũng đã bị rách.
Phần lớn người làm thuê tại các lò mổ đều là lao động ngoại tỉnh và phải làm việc, sinh hoạt trong điều kiện tồi tàn ngay tại khu lò mổ.
Cũng cần phải nói thêm rằng sự vào cuộc của Chi cục Thú y Hà Nội vẫn chưa quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh ở lợn.
Khi chúng tôi có mặt tại các lò mổ, hàng chục con lợn được giết mổ và chở đi nhưng không hề có bóng dáng của nhân viên thú y.
Cũng có nghĩa những con lợn đó sẽ được mang vào các nhà hàng, các chợ mà không hề có đóng dấu kiểm dịch.
Theo CAND
0 comments
Post a Comment