down

2.25.2012

Oscar, một giải thưởng 84 tuổi

February 24, 2012

VHNT-Oscar.jpg:

Công nhân chuẩn bị cho lễ trao giải Oscar 2012. (Hình: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)





Tạp Ghi Quỳnh Giao







Từ Tháng Hai năm đó, có 15 người đã biết trước rằng mình được đưa lên đài vinh quang.

Có người đến trước mấy tuần cho giây phút huy hoàng này, như diễn viên Emil Jannings của Ðức được một ngôi sao sáng đón chào long trọng tại Hollywood, là đại tài tử Douglas Fairbanks. Trong buổi hạnh ngộ, có một chú khuyển lại hơi buồn vì cũng được vinh danh mà chẳng ai mời lên, đó là con Rin Tin Tin.

Hôm đó là ngày 16 Tháng Năm của năm 1929. Sinh hoạt do Douglas Fairbanks góp phần tổ chức và khai mạc trước 270 quan khách là lễ trao giải Oscar, khi mà giải thưởng này còn chưa có tên gọi như vậy. Chúng ta cùng xem lại khúc phim đó vì ngày 26 Tháng Hai này sẽ là lễ trao giải thứ 84.

Ðấy là khúc phim câm vì giải thưởng điện ảnh cao quý nhất của Hoa Kỳ và có lẽ của cả thế giới thành hình trong thời phim câm của nước Mỹ. Lễ trao giải là bữa điểm tâm khá trễ, người Mỹ gọi là “brunch,” tại khách sạn Roosevelt của Hollywood và kết thúc với dạ tiệc tại khách sạn Mayfair. Năm đó, khách được mời tham dự phải trả một lệ phí 5 đô la và cả buổi lễ hoàn tất khá gọn khi Douglas Fairbanks lần lượt trao 15 giải thưởng cho mọi người, kể cả giải nam diễn viên chính mà ông bị hụt vì lọt vào tay diễn viên Emil Jannings.

Chi tiết lý thú hơn: năm đó chú khuyển Rin Tin Tin nổi tiếng còn đoạt nhiều phiếu hơn đại tài tử. Nhưng làm sao nó có thể nhẩy lên hai chân để nhận lấy pho tượng mạ vàng cao hơn ba chục phân và nặng gần bốn ký?

Giải thưởng có tên chính thức là giải của Hàn Lâm Viện Ðiện Ảnh hay Acamedy Awards, và mở đầu như khuôn mẫu cho ba giải thưởng danh tiếng khác của Hoa Kỳ, là giải Grammy về âm nhạc, giải Emmy về truyền hình và giải Tony về kịch nghệ. Sau khi được tổ chức lần đầu vào năm 1929, giải điện ảnh có cải tiến và thay đổi theo thời thế, nhưng vẫn là chuẩn mực của tính chất đa dạng phong phú của xã hội Hoa Kỳ.

Người ta trao giải cho 15 bộ môn khác nhau của điện ảnh và ở vòng sơ tuyển thì mỗi bộ môn có 5 đề cử, hay “nominees.” Trong Viện Hàn Lâm, người thuộc bộ môn nào sẽ đề cử trao giải cho bộ môn đó, thí dụ như đạo diễn đề cử trao giải cho bộ môn đạo diễn. Công ty kiểm toán Mỹ là Price Waterhouse nhận lãnh việc tính điểm khá rắc rối mà rất công minh để chọn ra 5 đối tượng được nhiều người đề cử nhất.

Ngoại lệ là giải Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất Năm vì được mọi người cùng đề cử. Và về sau cũng giải Best Picture này còn có ngoại lệ là được đề cử 9 tác phẩm thay vì chỉ có 5 như các bộ môn kia.

Nhưng chúng ta cũng tò mò muốn biết rằng ai là người được phép đề cử và tuyển chọn?

Ban đầu, thành phần ban giám khảo chỉ có 37 người. Sau đó, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Ðiện Ảnh Hoa Kỳ mới gửi giấy mời người khác, ngày một đông hơn. Muốn được vào hậu cung điện ảnh đó thì phải có hai người bên trong giới thiệu nhờ thành quả đóng góp cho nghệ thuật gọi là thứ bảy. Hoặc phải là người đã được đề cử cho một giải thưởng năm trước.

Rồi nếu đã đứng ngồi trong ban giám khảo này thì giữ vai trò đó đến suốt đời.

Vì thế, một nhân viên về ánh sáng rất mờ nhạt cũng có vị trí ngang tầm đại đạo diễn, hoặc một nữ tu như Mẹ Dolores Hart của dòng Benedictine năm nay đã 73 tuổi. Bà cụ được đề cử trong phim “Loving You” vào năm 1957, đối diện Elvis Presley, và nay vẫn giữ một phiếu!

Do thể thức tuyển người chấm, ban giám khảo của giải thưởng hiện có 5,783 phiếu. Mà cách tuyển chọn rắc rối cũng khiến chính ban giám khảo không hiểu và thường gặp bất ngờ khi kết quả được công bố lúc chót chứ không được báo trước như trong mấy năm đầu.

Chuyện bất ngờ ai cũng nói là nhiều nghệ sĩ siêu hạng hoặc nhiều phim xuất sắc lại hụt giải. Thí dụ như hai đạo diễn Orson Welles và Alfred Hitchcock, hai minh tinh Greta Garbo và Richard Burton và hai tuyệt tác là phim “Citizen Kane” hụt giải năm 1942 và “Taxi Driver” hụt giải năm 1977.

Hoa Kỳ là nơi mà cái gì cũng được nghiên cứu và sau hơn 80 năm trao giải, người ta nghiệm ra chân dung của vị giám khảo tiêu biểu. Ðó là một ông da trắng, tuổi trung bình 57, tức là hơi già và bảo thủ, lại đang nuôi hy vọng trúng giải vì cũng có con gà của mình trong chuồng vàng!

Hai thành phần then chốt về nghệ thuật và diễn viên và đạo diễn là thiểu số vì chỉ có khoảng 1,500 trong gần sáu ngàn phiếu. Còn lại là các chuyên viên kỹ thuật và chuyên viên nghệ thuật kiếm tiền, là nhà sản xuất và giới quảng cáo. Ăn cây này thì rào cây ấy, thành phần rất đông đảo này có đa số áp đảo và thường dồn phiếu cho các con gà đẻ trứng vàng cho mình.

Có lẽ vì vậy mà họ hụt mất nhiều tác phẩm hoặc nghệ sĩ có tài!

Nói của đáng tội, người viết xin ghi cho công bằng, rằng ban giám khảo đầy nam tính dù không thích cười thì cũng rất nịnh đầm. Họ tránh phim hài hước và thiên về nữ diễn viên. Các đại học Mỹ phát giác là các diễn viên trong phim bi thương dễ trúng giải hơn trong phim khôi hài đến 9 lần và vì vai nữ không đông bằng vai nam nên các nữ tài tử có hy vọng trúng giải nhiều hơn nam giới!

Mà mấy chuyện vặt ấy vẫn không làm lu mờ hào quang hàng năm của Oscar, được Hollywood trải thảm đỏ đón mừng và hơn trăm nước trực tiếp truyền hình cho cả tỷ người xem ở khắp nơi.

Thế còn cái tên “Oscar” như đã nghe nói đến từ lâu?

Nhiều huyền thoại đã được lưu truyền về tên gọi. Có thể là từ Bette Davis khi bà thấy pho tượng hơi giống ông chồng đầu tiên. Có thể là do một thư ký của Hàn Lâm Viện buột miệng nói ra vì giống ông chú của bà. Có khi là từ tên một ông vua Na Uy, v.v...

Mấy giai thoại đó cho thấy sự mờ ảo khả ái của nghệ thuật khi đặt tên cho một pho tượng, do giám đốc nghệ thuật Cedric Gibbons phác họa và nhà điêu khắc George Stanley thực hiện. Người mẫu có vai nở ngực rộng là đạo diễn kiêm diễn viên Mễ Tây Cơ tên là Emilio Fenandez. Pho tượng đúc bằng thiếc pha đồng rồi được mạ vàng, hàng năm phải sản xuất chừng năm chục cái.

Quỳnh Giao thì thích một nét cảm động là trong Ðại Chiến Thứ Hai, kỹ nghệ điện ảnh Mỹ đã yểm trợ tiền tuyến với các pho tượng bằng thạch cao cho rẻ. Sau khi chiến tranh chấm dứt, người trúng giải mới đổi lại để có pho tượng mạ vàng. Một chi tiết rất thực dụng và đáng yêu!

Bây giờ thì xin được gác bút và tắt máy theo dõi giải Oscar năm nay.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145010&zoneid=97

0 comments

Post a Comment