down

2.05.2012

Adamo, phiên bản mới tình khúc vang bóng một thời

04 Tháng Hai 2012   
Tuấn Thảo
Trong số các ca sĩ hát tiếng Pháp, Adamo cũng như Christophe là gương mặt rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Có lẽ cũng vì nhiều ca khúc của anh từng được chuyển dịch hoặc đặt thêm lời tiếng Việt. Từ khi mới vào nghề cho đến nay, ca sĩ Adamo đã ghi âm 22 tập nhạc và đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới.
Tên thật là Salvatore Adamo, anh sinh năm 1943 tại Comiso thuộc vùng Sicilia trong một gia đình nghèo người Ý, cha là công nhân, mẹ là nội trợ. Năm lên 4, cậu bé theo song thân rời nguyên quán sang Bỉ tìm kế sinh nhai. Vào thời đó, thân phụ của anh được tuyển dụng làm thợ mỏ. Cả gia đình sống gần thành phố Mons. Mãi về sau này, anh mới dọn về gần thủ đô Bruxelles để sinh sống. Theo lời kể của Adamo, thì thời còn nhỏ, gia đình anh sống trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn.
Cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt, không có nhiều thú giải trí tiêu khiển, cho nên anh mới tìm sự khuây khỏa bằng cách tự học hát học đàn. Những bản nhạc đầu tay được anh sáng tác bằng đàn ghita vào năm 14 tuổi. Mãi đến sau này, khi Adamo đã thành danh, anh vẫn giữ nguyên quốc tịch Ý. Một phần cũng vì lúc đó nước Bỉ vẫn chưa thông qua luật song tịch, nhưng phần lớn là vì lý do tình cảm gia đình. Giữ quốc tịch Ý là một cách để cho anh tạ ơn song thân, thế hệ đi trước đã cam chịu nhiều hy sinh để lót đường, tạo cơ hội cho thế hệ sau thăng tiến.
Năm 1960, Adamo lúc đó mới 17 tuổi, ghi tên vào một cuộc thi tiếng hát truyền thanh trên đài Radio Luxembourg. Trong hơn cả trăm thí sinh, anh rốt cuộc giành được giải nhất trong vòng chung kết tổ chức tại Paris. Nhưng thay vì ký hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa ngay sau đó, Adamo lại trở về Bỉ để thu xếp việc nhà.
Mặt khác anh trao dồi sáng tác, dành thời gian để viết thêm nhiều ca khúc. Đến khi bắt đầu thành danh vào năm 1963, Adamo đã có sẵn nhiều bài hát trong ngăn tủ. Người khác thì chạy nước rút, Adamo thì chuẩn bị vượt đường trường. Điều đó phần nào giải thích vì sao : một khi được lăng xê, tên tuổi của Adamo có nhiều triển vọng trụ lại được lâu trong làng nhạc, chứ không chỉ ăn khách một cách nhất thời.
Từ năm 1963 trở đi, Adamo thành công trong hơn một thập niên liền. Hầu như năm nào anh cũng có ca khúc lọt vào bảng xếp hạng các bản nhạc ăn khách nhất : chẳng hạn như nhạc phẩm Tombe la neige (Tuyết rơi - 1963), Vous permettez Monsieur và La Nuit (Màn đêm - 1964), Les Filles du bord de mer et Mes mains sur tes hanches (1965), Une mèche de cheveux (Một lọn tóc - 1966), Inch'Allah và Une larme aux nuages (Giọt nước mắt trong cụm mây - 1967), L'amour te ressemble (Tình yêu sao giống em - 1968), Petit bonheur (Niềm hạnh phúc nho nhỏ - 1969), Va mon bateau (Thuyền ta ra khơi - 1970), J'avais oublié que les roses sont roses (Ta đã quên màu sắc hoa hồng - 1971), C'est ma vie (Đời ta - 1975)…

Từ những năm tháng đầu, sự nghiệp của Adamo thành công vang dội trên thị trường quốc tế. Ngoài tiếng Pháp, Adamo còn ghi âm các ca khúc của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau : tiếng Ý, tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng có một quốc gia mà Adamo được xem như là một thần tượng tuyệt đối : đó là Nhật Bản.
Hầu hết các ca khúc thịnh hành của Adamo đều được đặt thêm lời tiếng Nhật, nhưng không có bài nào có thể sánh bằng nhạc phẩm Tuyết rơi (Tombe la neige). Trong lời mở đầu quyển sách mang tựa đề A ceux qui rêvent encore (Cho những người còn mơ mộng, phát hành vào năm 2001), Adamo cho biết là người Nhật đặc biệt hưởng ứng tình khúc này từ lúc ra đời cho đến tận bây giờ. Phiên bản tiếng Nhật thịnh hành đến mức, nhiều thế hệ người Nhật xem đây là một tình khúc của xứ hoa anh đào, một di sản văn hóa xứ Phù Tang, chứ không phải là nhạc nước ngoài.

Theo lời của chính tác giả Adamo, sở dĩ bài Tuyết rơi được yêu chuộng đến như vậy là vì những câu hát mở đầu lại có nhịp ngũ thất (5-7), tức là gần giống với thơ bài cú (haïku) của người Nhật. Trong tiếng Nhật bài Tuyết rơi được tác giả Yasui Kazumi chuyển dịch thành Yuki ga Furu (雪が降る), người đầu tiên hát bài này trong tiếng Nhật là nữ ca sĩ Koshiji Fubuki. Nhưng phiên bản tiếng Nhật thịnh hành nhất châu Á vào giữa những năm 1970 là của ca sĩ người Đài Loan Đặng Lệ Quân (Teresa Teng).
Kể từ đầu thập niên 1980 trở đi, sự nghiệp ca hát của Adamo bắt đầu đi xuống trước sự trỗi dậy của nhiều tác giả mới. Vào năm 1984, Adamo buộc phải nghỉ hát và ngưng hẳn các vòng lưu diễn sau khi lên cơn đau tim. Anh vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng ít còn ghi âm hay xuất hiện trước công chúng. Vào năm 2003, Adamo dự tính trở lại dưới ánh đèn sân khấu, nhưng đúng một năm sau anh lại gặp tai biến mạch máu não, tuy không trầm trọng đến nổi đe dọa đến sinh mạng, nhưng Adamo không còn được phép lên sàn diễn.

Sự xuất hiện trở lại của Adamo chủ yếu là nhờ vào các tác giả và ca sĩ thế hệ trẻ thời nay. Từ Bỉ sang Pháp cho đến Canada, các ca sĩ hát tiếng Pháp thường hay hát lại các bản nhạc quen thuộc nhất của Adamo, trong đó có Nolwenn, Olivia Ruiz, Jeanne Cherhal, Isabelle Boulay, Maurane, Calogerro, Renan Luce, Thomas Dutronc …
Tập nhạc Le bal des gens biens phát hành vào năm 2008 tập hợp các bản song ca giữa Adamo với thế hệ đàn em. Cách đây hai năm, Adamo nhận được Giải thưởng thi ca khối Pháp ngữ (Grand Prix International de Poésie Francophone), được xem như là một giải thành tựu sự nghiệp đối với một tác giả. Đó cũng là năm mà Adamo lần đầu tiên song ca với Christophe trong nhạc phẩm Jours de Lumière (Ngày đầy ánh sáng).
Tuy thành danh vào những năm 1960, thời kỳ cực thịnh của phong trào nhạc trẻ, nhưng Adamo được xem như một ca sĩ trữ tình, chuyên hát các tình khúc lãng mạn, chứ không được xếp vào hàng thần tượng nhạc trẻ như Françoise Hardy, Sylvie Vartan, France Gall, Johnny Hallyday, Jacques Dutronc hay Eddy Mitchell. Ban đầu bị cho là hơi ủy mị, Adamo giờ đây được nhìn nhận là một tác giả thực thụ, có cái tài soạn giai điệu nhẹ mà thoáng buồn, trầm mà tơ vương.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120204-adamo-phien-ban-moi-tinh-khuc-vang-bong-mot-thoi

0 comments

Post a Comment