Tôi ở Việt Nam đã được một năm, mỗi ngày tôi thích thú khám phá những món ăn mới và học thêm nhiều điều về phong tục, tập quán ở đây. Tháng trước tôi được mời tham dự một đám cưới ở miền quê và có dịp hiểu thêm về nét văn hóa của người Việt.
Vì là lần đầu đi bưng quả, tôi cẩn thận hỏi thăm vài người bạn nên chuẩn bị những gì để còn biết cách “nhập gia tùy tục”. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghi lễ lại tiễn hành sớm đến thế, tôi thường thức dậy lúc 9 giờ sáng, thế mà ngày lễ bưng quả tôi phải dậy lúc 4 giờ sáng, nghe đâu mọi người bảo đó là giờ lành. Tôi chỉ biết đi theo sau chân đồng nghiệp của tôi, anh ấy làm gì là tôi làm đấy.
Cattalin đến từ Romania trong trang phục bưng quả của nhà trai |
Còn nữa, tôi hơi ngạc nhiên khi được khuyên nên gửi phong bì khi dự đám cưới. Ở Romania, chúng tôi thường không mừng bằng tiền mà bằng quà. Trước lễ cưới, cô dâu chú rể thường lên danh sách những món mình thích hay những vật dụng gia đình cần thiết cho cuộc sống mới và gửi đến những người được mời. Sau đó, tùy từng người sẽ chọn ra món đồ mình có thể mua, tùy theo tình hình kinh tế và sự thân thiết đối với cô dâu chú rể.
Buổi tiệc cưới miền quê tôi tham dự diễn ra ngoài trời, dưới tấm bạt căng rộng. Tôi thích thú khi hết món này đến món khác được dọn ra trên bàn tiệc. Những món ăn có màu sắc bắt mắt còn hương vị thì không chê vào đâu được. Càng thú vị hơn khi được biết tất cả các món đều do chính tay mẹ, chị, em của cô dâu nấu.
Càng về sau càng nhiều người dân địa phương sống xung quanh, tuy không được mời, nhưng cũng đến nâng ly cùng cô dâu, chú rể và thực khách. Vì là tiệc vùng quê nên chúng tôi chỉ uống rượu đế, mỗi một ngụm gắt đến tận cổ. Không chỉ uống, từng bàn còn lần lượt nâng ly, thi nhau hô to: “Một, hai, ba, dzô!”. Càng uống, mọi người càng cởi mở, thân thiện và không khí trở nên thật vui.
0 comments
Post a Comment