down

11.29.2009

Chuyện lạ làng Roseto : những quả tim khoẻ mạnh

Vào đầu những năm 1960s, trong một câu chuyện tình cờ, một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Y Oklahoma chợt nghe một chuyện lạ kích thích sự tò mò của những nhà chuyên môn. Đó là tỷ lệ số người chết về bệnh tim mạch ở làng Roseta rất thấp, hầu như bằng không. Trong khi chỉ cách đó không xa, làng Bangor bên cạnh, tỷ lệ nầy lại tương tự như tỷ lệ trung bình chung của nước Mỹ lúc bấy giờ. Roseto là một làng nhỏ nằm ở phía Đông tiểu bang Pennsylvania. Những người nhập cư từ miền nam nước Ý đã đến đây lập nghiệp từ năm 1882. Vào thời đó, trên đà phát triển của cuộc sống công nghiệp, bệnh tim mạch đang gia tăng. Nói chung tỷ lệ nầy cao lên theo độ tuổi. Vậy mà ở làng Roseto, tỷ lệ nầy gần như số không ở những người nam độ tuổi từ 55 đến 64. Trên 65 tuổi, tỷ lệ người chết vì bệnh tim cũng chỉ bằng phân nửa của tỷ lệ cả nước. Chuyện lạ nầy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều ngành. Một số cuộc điều tra nghiên cứu tiếp tục được thực hiện. Những dữ kiện tiếp theo còn làm người ta kinh ngạc hơn. Cả hai loại tỷ lệ về người phạm tội hình sựngười có đơn xin trợ cấp xã hội cũng bằng không! Một thiên đường nhỏ giữa thế gian chăng? Không hẳn! Đây là một cộng đồng còn nghèo, cuộc sống khá vất vả. Những người đàn ông làm những công việc nặng nhọc trong những hầm đá sâu những 200 feet dưới mặt đất. Chiều về, những bữa cơm tối chủ yếu là mì Ý truyền thống. Dầu olive là quá xa xỉ đối với họ. Họ ăn nhiều thịt băm, xúc xích với nhiều mỡ động vật. Hút thuốc và uống rượu vang cũng không phải là điều cấm kỵ đối với họ. Vậy mà bên trong những thân hình vạm vỡ kia lại là những quả tim khoẻ mạnh. Có vẻ như có điều gì đó đã xảy ra ở đây, đi ngược lại với những quy lụât mà những nhà khoa học đã biết được về cơ chế bệnh tim mạch. Ăn nhiều đạm và chất béo động vật dễ làm tăng độ xơ vữa động mạch là nguyên nhân chánh gây ra các loại bệnh về tim mạch. Quy luật nầy đã không xảy ra ở đây. Dân Roseto hầu như được miễn nhiễm khỏi căn bệnh gây chết người hàng đầu ở Mỹ.

Sức mạnh dòng tộc và hiệu ứng Roseto của những gia đình 3 thế hệ.

Khi định cư ở Mỹ, người Roseto vẫn tiếp tục cuộc sống quần cư, sống gắn bó với nhau. Họ có mối liên hệ thân tộc và sinh hoạt tôn giáo rất chặt chẽ. Hiếm có người đi làm ăn xa khỏi thành phố. Các nghiên cứu đều cho thấy mọi gia đình đều có ba thế hệ sống cùng với nhau và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Những người già không bị xếp xó trong những viện dưõng lão mà vẫn được trọng thị như những vị phán quan trong cộng đồng. Ở đây, bên cạnh cuộc sống đơn giản, không có nhiều nhu cầu để tranh đoạt, còn có một yếu tố thường được nhắc đến trong những sinh hoạt tôn giáo. Đó là đức phó thác. Phó thác là một hệ quả của niềm tin. Giống như ngày nào mà những đứa con chưa thành niên hoặc chưa lập gia đình, còn sống chung với bố mẹ, còn tin tưởng tuyệt đối vào bố mẹ, được bố mẹ chăm sóc từ manh quần tấm áo, cái ăn cái mặc, thì ngày đó, chúng còn được miễn nhiễm khỏi tất cả mọi ưu tư phiền não của đời thường. Chúng không cần phải tranh cạnh, không phải sở hữu, không sợ mất mát. Tin tưởng lẫn nhau, tin vào gia đình, tin vào cộng đồng là một yếu tố quan trọng để có được sự an định nội tâm và giữ gìn giềng mối xã hội.

Báo cáo về “Sức mạnh của dòng tộc” (The power of Clan) do Stewart Wolf, một nhà vật lý, và John Bruhn, một nhà xã hội học cùng thực hiện vào khoảng 1935 đến 1984. Trong báo cáo nầy, các tác giả đã nhận định rằng chính sự tôn trọng, tin tưởng và hợp tác hỗ tương giữa các thành viên trong cộng đồng đã tạo nên sức khoẻ và phúc lạc cho mỗi người và an ninh xã hội cho cả cộng đồng. Ngược lại, thái độ vị kỷ và ít quan tâm đến người khác sẽ gây ra kết quả đối nghịch. Đối với bệnh tim mạch, ông Wolf nói “Mỗi người nhận được sự hỗ trợ của những người khác, đặc tính liên kết chặt chẽ trong cộng đồng là điềm chỉ báo mạnh nhất cho một trái tim khoẻ mạnh, mạnh hơn cả độ cholesterol thấp trong máu hoặc việc không hút thuốc”.

Chia sẻ, kết nối vì những quả tim khoẻ mạnh.

Roseto đã mất đi vị trí độc tôn của mình trong những bảng thống kê. Tuy nhiên, hiệu ứng Roseto vẫn được nhắc đến như là một biểu tượng rõ nét về giá trị truyền thống mà nếp sống cộng đồng đã mang lại cho con người, đặc biệt là trong lãnh vực sức khoẻ tim mạch. Ngày nay, mọi nền y học đều công nhận yếu tố tâm lý, cảm xúc tác động rất lớn đến sức khoẻ vật chất. Trong khi những căng thẳng tâm lý và những dồn nén cảm xúc lâu ngày có thể làm cho khí huyết ngưng trệ, rối loạn hoạt động nội tiết, giảm sức đề kháng, thì ngược lại, cảm giác được bảo vệ, được chia sẻ và niềm phấn khích, sự lạc quan sẽ tạo ra những đáp ứng thư giãn giúp giảm nhịp tim, điều hoà huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch. Bác sĩ Dean Ornish là một nhà nghiên cứu về tim mạch người Mỹ, đặc biệt nổi tiếng gần đây về phương pháp điều trị tận gốc bệnh tim mạch bằng liệu pháp tự nhiên. Trong quyển sách “Tình thương và sống còn, Cơ sở khoa học của sự chữa bệnh bằng tình thân” (Love & Survival, The Scientific Basis for the Healing Power of Intimacy), ông đã viết “Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc”. Lý quang Diệu, nguyên Thủ Tướng Singapore, được xem là người cha đẻ của đảo quốc sư tử, khi nói về những yếu tố để tạo nên thành công, sung mãn và tuổi thọ, ông cho biết “Sự trừng phạt lớn nhất đối với một con người là cứ ngồi yên, tự cô lập mình”. Nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy những người già thường ra ngoài, tham gia các hội đoàn, các tổ chức xã hội, sinh hoạt nhóm, hoặc sinh lợi, hoặc từ thiện, hoặc vui chơi giải trí, đều có sức khoẻ tốt và tuổi thọ cao hơn so với những người sống cô lập, ít giao tiếp.

Hiện nay, ở nước ta, công nghiệp phát triển, quá trình đô thị hoá và sự thu nhỏ quy mô gia đình là những tất yếu không thể thay đổi được. Tuy nhiên, thực hành điều hoà cảm xúc, sống cởi mở, vị tha, và luôn chia sẻ, kết nối với những người chung quanh là điều mà mỗi người đều có thể làm được ở mọi thời, mọi lúc và mọi nơi. Vì bản thân và vì mọi người, hãy chia sẻ và kết nối!

0 comments

Post a Comment